Công trình kênh mương của hồ chứa nước Đồng Tròn (huyện Tuy An) được thiết kế theo dạng kênh máng nổi trên mặt đất, được xây dựng khá đồ sộ nhưng bị bỏ hoang nhiều năm nay, gây lãng phí hàng tỉ đồng.
Hiện toàn bộ lòng kênh mương nối dài qua xã An Định (huyện Tuy An) kênh ngập rác. Bà Nguyễn Thị Thu, ở thôn Định Trung 2 (xã An Định) đang nhổ cỏ ruộng cạnh kênh mương cho hay: “Đợt lũ lụt cuối năm qua, rác tấp vô lòng kênh mương, tồn tại từ đó đến giờ nhưng không thấy ai dọn dẹp”. Còn ông Trần Văn Hùng ở thôn Định Trung 2, cho biết: “Từ khi làm kênh mương đến nay, tôi chưa thấy giọt nước nào chảy từ hồ theo mương về đây tưới ruộng”.
Hệ thống công trình kênh mương này được nhiều người dân quanh vùng ví như “đoàn tàu lửa” vì toàn bộ kênh máng vỏ mỏng nổi trên mặt đất, cứ 3m có mối nối giống như toa tàu, cứ thế chắp nối nhìn từ xa giống như “đoàn tàu lửa”. Tuy nhiên, do không hoạt động và không được duy tu bảo dưỡng nên một số hạng mục như thanh nối ngang đã xuống cấp; một số đoạn chạy dọc theo sông Kỳ Lộ, cây cỏ mọc um tùm. Ông Phan Văn Tuấn, một nông dân có ruộng lúa gần kênh mương nói: “Công trình này xây dựng mấy năm rồi, hồi đó tôi nhường đất cho công trình, nói là thủy lợi mà chẳng thấy “lợi” vì khi xây dựng đến nay bị bỏ hoang. Tiếng có kênh mương hưởng nước tự chảy nhưng cuối cùng chúng tôi cũng phải bơm tưới bằng trạm bơm điện từ sông Kỳ Lộ lên”.
Theo Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam (đơn vị quản lý hồ chứa nước Đồng Tròn), hồ chứa nước Đồng Tròn do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 7 (Bộ NN-PTNT) làm chủ đầu tư, đưa vào sử dụng cuối năm 2003. Theo thiết kế, hồ chứa nước Đồng Tròn khi hoàn thành sẽ tưới cho 1.950ha đất canh tác các xã An Nghiệp, An Định (huyện Tuy An) và một phần của xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân), cùng với đó cung cấp nước cho hệ thống thủy nông Tam Giang để tưới chống hạn 900ha lúa. Thế nhưng, công trình này hoàn thành hạng mục đầu mối đã để lại nhiều “tai tiếng”. Đó là hệ thống kênh tưới chưa triển khai thi công nên Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam không thể khai thác năng lực cung cấp nước tưới theo đúng mục tiêu dự án đã đề ra. Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó phòng Quản lý, nước của Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam, cho biết: “Hệ thống kênh mương được thi công theo 2 nhánh: Kênh chính đông dài 6.500m, kênh chính tây dài 7.000m, tuy nhiên hiện nay kênh chính tây chỉ đưa vào hoạt động 2.850m, kênh chính đông vận hành trên 2.450m; còn lại 8.200m kênh mương bị bỏ hoang. Cũng do kênh mương bỏ hoang nên theo thiết kế ban đầu, hệ thống kênh mương sẽ tưới 1.050ha lúa nhưng hiện nay chỉ tưới được 387ha lúa, chủ yếu trên địa bàn xã An Nghiệp.
Theo nhiều người dân quanh vùng, hiện hệ thống kênh mương của hồ Đồng Tròn được đầu tư đồ sộ nhất so với các kênh mương ở một số khu vực xung quanh. Khi công trình kênh mương thi công, nhiều người dân làm ruộng ở xã An Định và xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) vui mừng vì công trình đi vào hoạt động sẽ có nguồn nước tự chảy phục vụ sản xuất không phải bơm tưới. Thế nhưng, từ sau khi hoàn thành hệ thống kênh mương đến nay, hàng trăm héc ta lúa của bà con vẫn phải “uống” nước sông từ trạm bơm điện.
Ông Trần Tiến Anh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam cho biết, công ty tiếp nhận quản lý khai thác hệ thống hồ Đồng Tròn. Đối với hạng mục kênh cấp I trở xuống công trình hồ chứa nước Đồng Tròn thì UBND huyện Tuy An đầu tư (đối với đoạn kênh thuộc địa phận huyện Tuy An), UBND huyện Đồng Xuân đầu tư (đối với đoạn kênh thuộc địa phận huyện Đồng Xuân). Hiện chưa có kênh mương nội đồng nên công ty không thể khai thác vận hành.
LÊ TRÂM