Sau cây lúa và mía, sắn là cây trồng chính ở Phú Yên. Tuy nhiên, bệnh chổi rồng và rệp sáp bột hồng xuất hiện gây hại làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Ngành Nông nghiệp đang phát động “Chiến dịch truyền thông về dịch hại sắn” nhằm tuyên truyền để nông dân nắm bắt các yêu cầu kỹ thuật nhằm ngăn ngừa, hạn chế thấp nhất dịch bệnh trên cây sắn.
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, năm 2011, bệnh chổi rồng xuất hiện đầu tiên tại xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân), sau một năm, bệnh phát tán sang 3 huyện: Sông Hinh, Sơn Hòa, Tuy An với diện tích bị nhiễm bệnh là 353,7ha, làm cho sắn hư hại từ 5 đến 90%. Năm 2014, diện tích sắn bị bệnh chổi rồng trên 363,6ha, chiếm khoảng 16,3% diện tích. Khi bị nhiễm bệnh chổi rồng, cây sắn kém phát triển, lóng thân ngắn, lá nhỏ và xoăn, chồi ngọn ngắn lại, cây thấp, các mầm trên thân đều bật chồi, sau cùng là chuyển màu vàng rụng lá hoặc chết khô.
Hiện nay bệnh chổi rồng tiếp tục “đeo bám” gây hại 36ha, tỉ lệ bệnh từ 3 đến 10% cây ở giai đoạn phát triển củ, tại các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh. Theo ông Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, giải pháp để phòng trừ bệnh chổi rồng là nông dân tuyệt đối không sử dụng các hom sắn ở khu vực đã bị bệnh, tiêu hủy triệt để thân cây sắn và tàn dư còn tươi ở các vùng sắn đã bị bệnh, hom sắn được sử dụng khi trồng phải sạch bệnh. Trong thời gian từ khi sắn mọc đến thu hoạch, người trồng phải tăng cường theo dõi, nếu thấy rầy môi giới xuất hiện mật độ cao thì cần phun thuốc diệt trừ. Đặc biệt, người dân nên sử dụng giống sắn năng suất, chất lượng cao, trồng thay thế giống sắn KM94 tại các vùng đã bị nhiễm bệnh.
Bên cạnh bệnh chổi rồng, nông dân trồng sắn cũng gặp không ít khó khăn trong việc phòng trừ bệnh rệp sáp bột hồng. Tại xã An Hải (huyện Tuy An), rệp sáp bột hồng xuất hiện vào đầu tháng 9/2014, gây hại trên diện tích 3ha. Sau 2 tháng, diện tích bị nhiễm đã tăng lên 40ha, tăng gấp 13 lần. Lúc đầu, bệnh chỉ phát tán ở các địa phương lân cận xã An Hải, sau đó lây lan sang các xã của huyện Đồng Xuân. Ông Trần Văn Dũng, nông dân trồng sắn ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) cho hay: Đám sắn của tôi trồng 6 tháng tuổi nhưng cao không quá 2 gang tay người lớn. Ban đầu thấy lá sắn bị vàng tôi tưởng là do nắng hạn thiếu nước. Khi trời mưa xuống, đất ướt, tôi bón phân nhưng lá vẫn không xanh mà ngược lại vẫn bị xoăn đọt.
Cũng theo ông Đặng Văn Mạnh, khi sắn nhiễm bệnh rệp sáp bột hồng, thân cây sẽ bị biến dạng, chùn đọt. Nếu bị nhiễm với mật độ cao, cây sắn có thể bị rụng toàn bộ lá và giảm năng suất củ sắn từ 80 đến 84%. Hiện có 4 loại rệp sáp gây hại phổ biến trên cây sắn là rệp sáp sọc đen, rệp sáp tua, rệp sáp xanh và rệp sáp bột hồng. Rệp sáp bột hồng là loại bệnh mới xuất hiện nhưng nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh, sinh sản cao. Chính vì vậy khi bùng phát dịch bệnh, sức gây hại của nó trong tập đoàn rệp là 100%, nhưng bình thường thì từ 10 đến 15% số lượng là rệp sáp bột hồng. Rệp sáp bột hồng lây lan do gió, nó có thể bám vào quần áo khi chúng ta vận chuyển cây giống đã bệnh.
Bệnh chổi rồng và rệp sáp bột hồng là hai loại sâu bệnh xuất hiện nhiều nhất trên giống sắn KM94, chiếm khoảng 90%, được trồng nhiều ở 4 huyện: Sông Hinh, Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa. Loại sâu bệnh này diệt trừ tận gốc rất khó nên phương pháp chính là tiêu hủy. Người trồng sắn cần nhổ bỏ cây bị hại, thu gom, châm lửa đốt, sau đó phun vào một lượng thuốc chập lên trên để tiêu diệt triệt để.
Ông Nguyễn Văn Hạ, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung, cho rằng: Để phòng trừ bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng, địa phương phải tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, các doanh nghiệp chế biến về nguy hại của bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng gây hại trên cây sắn. Ngành Nông nghiệp hướng dẫn cho người dân cách nhận biết, phát hiện, biện pháp phòng trừ nhằm bảo vệ tốt nguồn nguyên liệu, qua đó tăng thu nhập cho người trồng sắn.
Để hạn chế, phòng trừ bệnh cho cây sắn, mới đây, Sở NN-PTNT đã triển khai “Chiến dịch truyền thông về dịch hại sắn”. Chiến dịch này nhằm đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân nắm bắt các yêu cầu kỹ thuật ngăn ngừa, hạn chế thấp nhất dịch bệnh trên cây sắn. Sở NN-PTNT cũng yêu cầu các nhà máy chế biến tinh bột sắn phối hợp với nông dân thay thế giống sắn KM94; đồng thời khuyến cáo bà con nông dân và các nhà máy sử dụng cây giống sạch, ở những vùng không có sâu bệnh.
TRÚC HIỀN