Theo số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT, trong tháng 2 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước đạt hơn 1,7 tỉ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 2 tháng đầu năm nay lên hơn 4,1 tỉ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là mức giảm liên tiếp trong 2 tháng đầu năm. Điều đáng nói, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông sản đều sụt giảm đáng kể, đặc biệt là các ngành hàng vốn được xem là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu của ngành như thủy sản, gạo, cà phê…
Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những nguyên nhân khiến sản lượng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sụt giảm trong thời gian vừa qua là khả năng tiếp thị của các doanh nghiệp Việt Nam còn kém, chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao dẫn đến năng lực cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu thấp. Phần lớn nông sản của nước ta đều được xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế, trong khi đó giá thành cao, chất lượng thấp, mẫu mã chưa hấp dẫn... Đây là những thách thức không nhỏ cho nông sản Việt Nam khi tham gia vào một sân chơi lớn nhưng khó tính và có sự cạnh tranh khốc liệt.
Đến thời điểm này, nước ta gần như mở cửa hoàn toàn thị trường nông sản trong khu vực ASEAN. Thuế nhập khẩu của các mặt hàng nông sản đều bằng 0%, điều này sẽ tạo sức ép cho người sản xuất, đặc biệt là một số mặt hàng vốn được Nhà nước bảo hộ. Theo ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT), để xuất khẩu nông sản thành công, trước hết doanh nghiệp cần tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất của nông sản. Bởi hiện nay, vai trò của các doanh nghiệp trong việc cung cấp đầu vào và giải quyết đầu ra chưa tốt, doanh nghiệp thường áp giá với người nông dân cao hơn so với khả năng của họ, hơn nữa chi phí chế biến lại cao, gây thiệt thòi cho người nông dân.
Năm 2015, nhiều cơ hội sẽ mở ra cho nông sản Việt Nam khi Hiệp định thương mại tự do được thực thi. Các doanh nghiệp kinh doanh nông sản có thể dễ dàng mở rộng thị phần vào các thị trường rộng lớn của khu vực và quốc tế, được hưởng lợi từ một số loại thuế sẽ được miễn giảm, nhu cầu thị trường lớn và người tiêu dùng nước ngoài rất ưa chuộng sử dụng một số mặt hàng nông sản của Việt Nam. Do đó, để vượt qua thách thức và các rào cản thương mại, thì bản thân các doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng tầm giá trị các mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Theo VOV