Sông Hinh là huyện miền núi với gần một nửa số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ quen trồng lúa rẫy, mè, đậu… phụ thuộc nước trời, năng suất bấp bênh. Địa phương này đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp, thay đổi tập quán sản xuất, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Thời gian qua, ở huyện Sông Hinh có rất nhiều công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng như: đập dâng Ea Trol; đập dâng buôn Ken, buôn Bá, xã Ea Bá; các công trình thủy lợi sau thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ; hồ Tân Lập, xã Ea Ly; hồ Buôn Đức, xã Ea Trol; hồ La Bách, thị trấn Hai Riêng; trạm bơm Bến Trâu, xã Đức Bình Đông; trạm bơm Tuy Bình, xã Đức Bình Tây… Nhờ vậy, đến nay diện tích lúa nước của địa phương này đã tăng lên 1.600ha, năng suất mỗi sào lúa nước bằng cả hec ta lúa rẫy. Lão nông Oi Ngữ ở buôn Ken, xã Ea Bá, nói: “Trước đây khổ lắm, người dân gặp cảnh thiếu đói quanh năm. Bây giờ thì tốt rồi, Nhà nước đã san ủi ruộng, dẫn nước về và dạy bà con buôn làng biết trồng lúa nước. Người dân không những không phải lo gạo ăn hàng ngày mà còn nghĩ đến các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao để làm giàu cho gia đình”.
Bên cạnh đó, để khai thác nguồn tài nguyên đất đai màu mỡ, huyện Sông Hinh đã khảo sát, lựa chọn, định hướng các cây trồng phù hợp. Đến nay, trên địa bàn huyện đã dần hình thành các vùng chuyên canh cây trồng như: vùng chuyên canh cây cao su tập trung ở các xã Ea Bar, Ea Ly, Ea Trol; vùng chuyên canh mía có nước tưới ở xã Sơn Giang; vùng chuyên canh mía cao sản ở phía bắc xã Ea Ly; chuyên canh cà phê ở Nông trường cà phê Ea Bá; xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn ở các xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, Sơn Giang… Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: “Việc hình thành các vùng chuyên canh cây trồng đã tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng cơ giới hóa cũng như đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất, mang lại năng suất cao. Như vùng chuyên canh mía Ea Ly, năng suất đã tăng từ 60 tấn/ha lên 80 tấn/ha; vùng chuyên canh lúa lai đạt năng suất trên 7 tấn/ha, cao hơn lúa thường 2 tấn/ha…”.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Hinh Phạm Xuân Lai, ngoài những giải pháp nêu trên, các cấp hội đã chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tập trung tuyên truyền vận động nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất như: sử dụng phân vi sinh, phân chuồng, hạn chế phân hóa học để bảo vệ đất đai; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định; hỗ trợ nhân dân vay vốn mua máy cày, ô tô tải; sử dụng các giống cây, con mới có năng suất chất lượng cao…
Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho hay: Để thúc đẩy sản xuất, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện Sông Hinh đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng đường sá, điện lưới, trường học, trạm y tế… Đến nay, phần lớn đường đến trung tâm các xã đã được kiên cố hóa, đường nông thôn được bê tông hóa, đường nội đồng được mở rộng với tinh thần vận động Nhà nước và nhân dân cùng làm… Nhờ vậy, hầu hết diện tích đất trên địa bàn huyện đã được khai thác triệt để.
Với những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân huyện Sông Hinh, đến nay, bộ mặt nông thôn miền núi đã có nhiều khởi sắc. Đến hết năm 2014, tổng diện tích cây trồng hàng năm đạt 20.000ha; thu nhập bình quân đầu người đạt 16 triệu đồng, tăng gấp 4 lần so với 10 năm trước; thu ngân sách gần 81 tỉ đồng, đạt gấp đôi so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Tỉ lệ hộ nghèo năm 2014 giảm hơn 9%; 92% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh; hầu hết các hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia, có ti vi, xe máy; nhiều hộ sắm được ô tô, máy cày để phục vụ sản xuất. Đặc biệt, huyện Sông Hinh đã có hai xã là Sơn Giang và Ea Ly đạt 13/19 tiêu chí, xã Đức Bình Tây đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới. Già làng Ma Vi ở buôn Hai Krông, xã Ea Bia bày tỏ: “Cuộc sống ngày càng khấm khá, bà con càng nêu cao tinh thần đoàn kết, chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; cảnh giác đập tan các âm mưu của kẻ xấu đến lôi kéo, kích động gây mất đoàn kết buôn làng”.
VĂN THÙY