Thứ Hai, 30/09/2024 10:31 SA
Vinh Ba sẽ là làng nghề đạt chuẩn
Thứ Ba, 22/05/2007 13:30 CH

Chị Nguyễn Thị Thắm (thôn Vinh Ba, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) đã thành công trong việc tìm hướng đi mới cho nghề đan đát truyền thống của địa phương: đan hàng thủ công mỹ nghệ từ cọng lá dừa. Chị truyền nghề cho nhiều người và làng nghề nơi đây đã được vực dậy. Trung tâm Khuyến công Phú Yên đang trình UBND tỉnh xét công nhận đây là làng nghề đủ chuẩn đầu tiên ở Phú Yên.

 

TẠO NHIỀU HẠT NHÂN

 

Thôn Vinh Ba (xã Hòa Đồng) đêm về khá nhộn nhịp. Phần đông các hộ dân ở đây đều chong đèn đến khuya để tập trung đan giỏ tặng quà, giỏ đựng trái cây, giỏ hoa… bằng cọng dừa. Nhà nhà đều có lá dừa, cọng dừa và sản phẩm đã hoàn thành. Ông Trần Kim Sơn, Trưởng thôn Vinh Ba phấn khởi: “Làng nghề chúng tôi đã lấy lại “phong độ” rồi đấy”.

 

070521-Dan-cong-dua.jpg

Đan hàng thủ công mỹ nghệ từ cọng lá dừa đã trở thành nghề chính của nhiều gia đình ở Vinh Ba (Hòa Đồng) - Ảnh: MINH NGUYỆT

 

Ở đây ai cũng biết, chị Nguyễn Thị Thắm đã lặn lội vào miền Nam để tìm hiểu cách thức đan giỏ, lẵng hoa bằng cọng lá dừa. Sau bao lần thất bại, chị Thắm đã thành công trong việc xử lý nguyên liệu bằng hóa chất. Sau khi thành lập cơ sở sản xuất hàng nan, tre và thủ công mỹ nghệ Đồng Nhất, chị Thắm đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công Phú Yên mở 2 khóa đào tạo cho hơn 100 học viên. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hương là một trong các học viên xuất sắc của khóa học và là nhóm trưởng, đã tiếp tục truyền nghề cho nhiều người khác. Nhà chị Hương giờ đây luôn tấp nập người ra vào để nhận nguyên liệu và giao sản phẩm. Các học viên xuất sắc của khóa học đều đã trở thành các hạt nhân nhân rộng nghề ra cho cả thôn. Mỗi gia đình có một người biết việc thì truyền lại cho nhiều người trong nhà. Giờ đây phần lớn người dân Vinh Ba đều biết làm hàng thủ công mỹ nghệ.

 

Chị Thắm bày tỏ lạc quan: “Trong thời gian tới, Vinh Ba sẽ còn có nhiều người tham gia đan hàng thủ công mỹ nghệ, vì đó là công việc truyền thống mà nhiều người yêu thích. Hơn nữa, khách hàng nhiều nơi đang rất chuộng hàng do người Vinh Ba sản xuất nhờ mẫu mã đẹp hơn các nơi khác”. Không chỉ ở Vinh Ba, nhiều người ở thôn Phú Diễn (xã Hòa Đồng) và các xã lân cận như Hòa Phong, Hòa Bình cũng đã đến học và gắn bó với nghề mới này. Chị Thắm cũng tỏ ra băn khoăn: “Nhiều người ở Hòa Mỹ đến xin học nhưng hiện tại tôi lo gom hàng cho đủ để giao chứ chưa có thời gian để đào tạo”.

 

“Số lao động hoặc số hộ gia đình tham gia sản xuất ra các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đạt trên 20% so với tổng số lao động hoặc số hộ của làng. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp chiếm tỉ trọng trên 20% so với tổng giá trị sản xuất của làng trong năm.

 

Trách nhiệm của làng nghề là tích cực đầu tư, mở rộng sản xuất, quan tâm cải tiến công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nhằm đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, làng nghề cũng nên bám sát nhu cầu thị trường để sản xuất mặt hàng mới, du nhập nghề mới, đồng thời chú trọng đảm bảo môi trường sinh thái, duy trì sự phát triển bền vững...”

 

 (Trích Quy định của UBND tỉnh Phú Yên về tiêu chuẩn làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp)

Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Nguyễn Hữu Thời cho biết: “Hiện sản xuất nông nghiệp đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật nên có nhiều lao động nhàn rỗi. Việc khôi phục được làng nghề truyền thống với hướng đi mới như thế đã tạo sự chuyển dịch kinh tế của địa phương. Cơ sở Đồng Nhất đã góp phần phát triển làng nghề cho Vinh Ba là điều rất đáng mừng. Trong thời gian đến, huyện Tây Hòa cố gắng để có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp như thế”.

 

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Phú Yên Trần Thị Thư cho biết: “Nhờ có công việc mới này, chị em ở thôn Vinh Ba có thêm thu nhập, nâng cao đời sống”. Còn bà Tô Thị Hòa, Phó Giám đốc Sở Công nghiệp Phú Yên nói: “Thành công trong đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ là cả một vấn đề nhưng làm thế nào để nhân rộng mô hình một cách nhanh nhất là điều cần phải tính”.

 

KHI TRỞ THÀNH LÀNG NGHỀ

 

Bà Hòa trăn trở: “Phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ là một dự án lớn nhưng hiện chỉ có vợ chồng anh Luận, chị Thắm  quản lý thì sẽ không xuể. Địa phương và các ngành cần hỗ trợ để cơ sở sản xuất phát triển, phấn đấu cuối năm nay được công nhận làng nghề theo tiêu chí của tỉnh”.  Theo bà Hòa,  cơ sở Đồng Nhất cần chủ động trong đào tạo, vốn và có định hướng phát triển lên mô hình khác lớn hơn. Song song đó, cơ sở cũng chuẩn bị đội ngũ nhân sự, tuyển chọn những người có tay nghề cao để tiếp tục đào tạo nhân rộng. Sở Công nghiệp Phú Yên sẽ tiếp tục hỗ trợ về công nghệ, đào tạo cũng như tìm kiếm thị trường.

 

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở Vinh Ba, ngoài tiêu thụ ở Phú Yên còn đi đến các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa. Mặt hàng này hiện còn đang rất “hút” ở Lâm Đồng, TP HCM và các tỉnh phía Bắc. Chị Thắm cho biết: “Có người từ Hà Nội gửi mẫu và đặt hàng nhưng chúng tôi chưa dám nhận vì hiện tại không đủ hàng giao cho các bạn hàng cũ”. Cái khó của cơ sở sản xuất hiện nay là máy chuốt cây chưa đủ nên nguyên liệu qua xử lý không có đủ để cung cấp cho thợ làm. Chị Thắm cho hay: “Hiện chúng tôi đang cần sự hỗ trợ của Nhà nước về cách thức quản lý và vốn để đầu tư thêm máy, mua lượng nguyên liệu lớn hơn và tiếp tục đào tạo để ngày càng có nhiều người tham gia công việc này”.

 

MINH CHÂU

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek