Thời gian qua có nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tỉnh vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VBSP) để phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống gia đình và vươn lên thoát nghèo. Mới đây, trả lời phỏng vấn báo chí, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Võ Văn Binh cho biết, từ năm 2011 đến 2013, toàn tỉnh có 23.600 hộ thoát nghèo và năm 2014 tỉnh phấn đấu giảm khoảng 2,5% hộ nghèo. Đây là những con số “biết nói”, nói lên những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo của tỉnh thời gian qua.
Và có được kết quả này phải kể đến sự góp sức không nhỏ của các chương trình tín dụng ưu đãi do VBSP triển khai tại Phú Yên, với hơn 10 chương trình tín dụng ưu đãi khác nhau, triển khai rộng khắp từ khu vực thành thị đến nông thôn, miền núi.
Hiện nguồn vốn của VBSP chi nhánh Phú Yên đang tập trung thực hiện công tác giảm nghèo của tỉnh, với hơn 1.750 tỉ đồng, gần 94.000 hộ còn dư nợ. Tuy nhiên, có tìm hiểu sâu vào cuộc sống của những hộ vừa được công nhận thoát nghèo thì mới hiểu hết được cuộc sống của họ sau khi thoát nghèo như thế nào. Đó là một số hộ đứng trước ngưỡng cửa tái nghèo, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn để duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó sau khi thoát nghèo, họ không còn là đối tượng phục vụ của VBSP nữa nên không thể vay vốn ưu đãi. Và để có vốn làm ăn, những hộ này phải “gõ cửa” các ngân hàng thương mại, nhưng ngặt một nỗi, muốn vay được vốn thì phải có tài sản thế chấp, trong khi vừa thoát nghèo thì lấy đâu ra tài sản dôi dư để thế chấp. Vậy là không ít hộ rơi vào cảnh cụt đường làm ăn. Lãnh đạo các hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh trong tỉnh thừa nhận, trong hàng ngàn hội viên của họ thoát nghèo trong giai đoạn 2011-2013, có nhiều hộ tái nghèo hoặc không thể duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh do thiếu vốn và gặp thiên tai, dịch bệnh.
Dư luận đang đặt câu hỏi liệu công tác giảm nghèo có thật sự bền vững hay không khi mà “khoảng trống” tín dụng ưu đãi cho những hộ vừa thoát nghèo chưa được “lấp đầy” như hiện nay? Để công tác giảm nghèo thật sự bền vững, lãnh đạo các hội đoàn thể trong tỉnh có nhận ủy thác vốn cho hội viên mình vay tại VBSP, đề xuất ngành Ngân hàng cần bổ sung nguồn vốn để cho những hộ mới thoát nghèo vay thêm trong thời gian ít nhất 2 năm. Lãi suất cho vay có thể bằng lãi suất cho vay vốn đối với hộ nghèo, hoặc cao hơn một chút và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay tại ngân hàng.
Tỉnh Phú Yên hiện còn 31.415 hộ nghèo, chiếm 13,03% tổng số hộ. Năm 2014, tỉnh phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo khoảng 2,5%/năm, đến cuối năm 2015 tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 9%. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đang triển khai các giải pháp theo hướng hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo; gắn công tác hỗ trợ vốn tín dụng với tập huấn hướng dẫn cách làm ăn, dạy nghề, tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo phát triển sản xuất, ổn định thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững. Trước đòi hỏi của cuộc sống, ngành Ngân hàng nên xem xét cho hộ mới thoát nghèo tiếp tục vay vốn tại VBSP. Phương thức cho những hộ này vay vốn cũng phải được bình xét qua các tổ chức hội đoàn thể, chính quyền địa phương. Cách làm này vừa thực hiện xã hội hóa trong cho vay của VBSP, vừa tránh việc lợi dụng chính sách ưu đãi, đồng thời đảm bảo công bằng xã hội.
Một khi “khoảng trống” tín dụng ưu đãi đối với những hộ vừa thoát nghèo được “lấp đầy”, chắc chắn sẽ góp phần giảm tình trạng tái nghèo và hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững trên phạm vi cả tỉnh.
QUANG THUẦN