Thứ Tư, 27/11/2024 01:48 SA
Thực hiện chính sách cho các xã bãi ngang ven biển:
Cần hợp lý hơn
Thứ Ba, 21/10/2014 11:00 SA

Trường tiểu học An Mỹ số 2 (huyện Tuy An) được đầu tư xây dựng từ chính sách cho xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển - Ảnh: A.NGỌC

Thời gian qua, nhiều chính sách đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển của tỉnh đã tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống, địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách này đối với một số xã chưa kịp thời, suất đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu còn rất thấp…

 

TRIỂN KHAI CHƯA KỊP THỜI

 

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn, một số vướng mắc khi triển khai chính sách này là nguồn kinh phí phụ thuộc rất nhiều vào nguồn trợ cấp từ ngân sách trung ương. Một số địa phương tổng hợp báo cáo thực hiện chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển còn chậm, ảnh hưởng đến công tác thẩm định và tổng hợp báo cáo của toàn tỉnh. Do đó, Bộ Tài chính không có cơ sở để thẩm định cấp bổ sung kinh phí cho tỉnh.

Từ năm học 2010-2011 đến năm học 2013-2014, Phú Yên đã miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân cho học sinh, sinh viên ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển trên địa bàn tỉnh. Tổng số có hơn 194.590 lượt học sinh, sinh viên được hưởng lợi với số tiền hơn 73,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc thực hiện chính sách này ở một số địa phương còn chậm.

 

Hiện một số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển trên địa bàn TX Sông Cầu chưa được hỗ trợ chi phí học tập và cấp bù học phí năm học 2012-2013 và các năm học trước cho 257 lượt học sinh, sinh viên với số tiền hơn 223 triệu đồng. Năm học 2013-2014, TX Sông Cầu cũng chưa chi trả tiền hỗ trợ cho 873 lượt học sinh mầm non, tiểu học và THCS với số tiền gần 550 triệu đồng. Theo ông Trần Thêm, Phó chủ tịch UBND TX Sông Cầu, nguyên nhân là do học sinh, sinh viên ở một số địa phương làm hồ sơ chậm nên chưa có căn cứ để chi trả. Chính sách có sự thay đổi nên công tác xác minh ở một số xã còn lúng túng, chậm hoàn thành hồ sơ…

 

Theo UBND tỉnh, nhìn chung việc thực hiện miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn có những khó khăn, vướng mắc như Bộ GD-ĐT chậm công bố danh mục các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học theo từng loại hình trường (công lập, ngoài công lập) gây khó khăn cho địa phương và phiền hà cho đối tượng chính sách trong quá trình xác định loại hình trường. Trước đây, việc thực hiện thông tư liên tịch của liên bộ GD-ĐT, Tài chính và LĐ-TB-XH còn nhiều bất cập về đối tượng được hưởng, thời gian thu nhận, thẩm định hồ sơ, xác nhận hồ sơ của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các địa phương… gây khó khăn trong thời gian đầu triển khai. Khi thực hiện Nghị định 49 thì một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp xác nhận hồ sơ cho sinh viên chậm, nên hồ sơ chậm thẩm định, công tác tổng hợp báo cáo số liệu với trung ương bị chậm đã làm ảnh hưởng đến kinh phí bổ sung. Sự phối hợp giữa các phòng, ban có liên quan ở cấp huyện chưa chặt chẽ, khi có nguồn kinh phí một số địa phương giải ngân chưa kịp thời dẫn đến kinh phí còn tồn đọng…

 

CẦN TĂNG SUẤT ĐẦU TƯ CƠ SỞ HẠ TẦNG

 

Tại khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch 20 có quy định phòng GD-ĐT chịu trách nhiệm chi trả, quyết toán kinh phí hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ học sinh (trước đây theo Thông tư liên tịch 29 thì do phòng LĐ-TB-XH trực tiếp chi trả cho đối tượng và quyết toán kinh phí) và tại khoản 1, 2, 3 Điều 16 Thông tư liên tịch 20 có quy định hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2014, nhưng thời điểm được hưởng tính từ ngày 1/9/2013. Như vậy, so với thời điểm thông tư liên tịch có hiệu lực thi hành và thời gian áp dụng đã qua 1 năm học (2013-2014). Mặt khác, quy trình lập hồ sơ, phương thức hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh có sự thay đổi so với quy trình của Thông tư liên tịch 29 đã gây xáo trộn về thủ tục hành chính và cơ quan tiếp nhận hồ sơ, chi hỗ trợ tại các địa phương.

 

Một số địa phương đề nghị phân bổ kinh phí hỗ trợ đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, đồng thời bố trí kinh phí trả lại cho các huyện, thị xã, thành phố đã dùng kinh phí địa phương để chi trả 6 tháng đầu năm 2014. Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: “Chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng này lại cần thiết hơn. Hiện nay, hàng năm suất đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã này còn rất thấp, nếu tính tổng số tiền đầu tư so với số tiền thực hiện chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở một xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển thì có sự chênh lệch rất lớn. Vậy Chính phủ nên có sự điều chỉnh giảm mức hỗ trợ đối với cán bộ, công chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang để tập trung kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã đặc biệt khó khăn này…”.

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek