Khi giá xăng lên đỉnh điểm với 26.140 đồng/lít vào ngày 7/7/2014 thì hàng loạt hàng hóa, dịch vụ “tát nước theo mưa” đẩy giá lên cao. Sau thời điểm này, đến nay thị trường xăng dầu Việt Nam đã qua 7 lần điều chỉnh giá theo hướng giảm (xăng A92 còn 22.890 đồng/lít, giảm 2.750 đồng/lít), nhưng người tiêu dùng Phú Yên vẫn chưa thấy giá hàng hóa, dịch vụ giảm theo.
Người tiêu dùng mua thực phẩm tại chợ Tuy Hòa - Ảnh: N.QUANG |
Lý giải về nghịch lý này, đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở Phú Yên cho rằng các đợt tăng giá xăng dầu thường với mức tăng giá 5%, vì vậy doanh nghiệp phải tăng giá cước vận tải để bù chi phí, tránh lỗ. Trong khi đó, mỗi đợt giảm giá xăng dầu gần đây chỉ khoảng 1% và thấy việc giảm giá cước không đáng kể nên thôi. “Chi phí nhiên liệu trong giá cước vận tải khoảng 40%. Khi giá xăng dầu biến động thì phải điều chỉnh giá cước. Dù giá xăng dầu đã giảm nhiều lần, nhưng mỗi đợt giảm theo kiểu nhỏ giọt nên việc điều chỉnh rất khó. Thực tế, bao giờ giá cước vận tải cũng phải có độ trễ nhất định, kể cả khi tăng hay khi giảm”, giám đốc một doanh nghiệp vận tải ở TP Tuy Hòa phân trần.
Tuy nhiên, theo nhiều người, kể từ tháng 8 đến nay, giá xăng dầu trên thị trường Việt Nam đã qua 7 lần giảm, với hơn 10%. Vì vậy các doanh nghiệp vận tải cũng phải giảm giá cước tương ứng với giá xăng dầu. Bà Lê Thị Tâm, tiểu thương kinh doanh gạo ở chợ Phú Lâm (TP Tuy Hòa) cho biết: “Dù giá xăng dầu đã giảm nhiều đợt, nhưng tôi thấy giá cước vận tải hàng hóa vẫn không giảm. Trong khi đó, trước đây, ở những đợt giá xăng dầu tăng thì khoảng 1 tuần sau, cước vận tải hàng thường tăng 100.000 đồng/chuyến”.
Không chỉ giá cước vận tải, qua khảo sát giá tại các chợ trên địa bàn Phú Yên cho thấy nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống người dân vẫn chưa giảm, dù giá xăng dầu đã giảm sâu cách đây 1 tuần. Các tiểu thương tại chợ Tuy Hòa cho biết việc điều chỉnh giá hàng hóa theo hướng tăng hay giảm đều phải có thông báo của các nhà cung cấp. Thông thường phải từ 1 tuần đến nửa tháng sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh thì chủ các đại lý bán lẻ hàng hóa mới nhận thông báo giá mới. Tuy nhiên, đến nay chủ các đại lý phân phối hàng hóa ở Phú Yên vẫn chưa nhận được các thông báo giảm giá của các nhà phân phối, vì vậy trước mắt hàng hóa vẫn bán theo giá cũ.
“Sức mua trên thị trường đang yếu, nếu giảm giá hàng hóa theo giá xăng dầu thì lợi nhuận sẽ giảm mạnh, nên chúng tôi vẫn giữ giá bán ở mức cao”, ông Trần Văn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Vĩnh Thành ở TP Tuy Hòa cho biết. Trong khi đó, bà Lưu Thị Nga ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa), bức xúc: Giá xăng dầu giảm sâu mà cước vận tải và nhiều loại hàng hóa tiêu dùng không giảm theo tương ứng sẽ làm cho người tiêu dùng bị thiệt thòi lớn.
Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo Sở Công thương cho biết, mặc dù xăng dầu đã qua 7 lần giảm giá, nhưng đây cũng chỉ là một trong nhiều mặt hàng đầu vào thiết yếu trong “rổ” tính chỉ số CPI. Ngoài tác động của giá xăng dầu, các doanh nghiệp đang chịu sức ép không nhỏ của hàng tồn kho, nợ khó đòi, lãi ngân hàng… cũng tác động lên giá cả. Vì vậy, nhiều hàng hóa trên thị trường vẫn chưa thể giảm sâu, dù nhìn vào thực tế, xăng dầu sẽ tác động đến dịch vụ hàng hóa.
NGUYỄN QUANG