Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, điều này đồng nghĩa với việc đảm bảo an ninh lương thực ngày càng cấp bách. Cùng với cả nước, tỉnh Phú Yên đưa ra định hướng phát triển nông nghiệp, đưa tiến bộ khoa học xuống đồng ruộng để thích ứng với việc chống lại biến đổi khí hậu.
Phú Yên, một vùng đất được bù đắp phù sa hàng năm của sông Ba và được công trình thủy nông Đồng Cam tưới cho trên 20.000ha đất lúa. Vì vậy, Phú Yên có năng suất lúa đạt khá cao so với các tỉnh trong khu vực, bình quân trên 60 tạ/ha.
Trong năm 2014, diện tích lúa gieo trồng cả năm ước đạt 57.404ha, năng suất bình quân đạt khoảng 63,6 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng lúa ước đạt 365.545 tấn, tăng 1.755 tấn so với năm 2013. Trong đó vụ đông xuân, diện tích lúa gieo sạ đạt 26.854ha, năng suất đạt 70,2 tạ/ha, sản lượng đạt 188.515 tấn, tăng 6.941 tấn so với vụ đông xuân 2012-2013. Vụ hè thu diện tích lúa gieo sạ đạt 24.350ha, năng suất đạt 64,3 tạ/ha, sản lượng đạt 156.570 tấn. Vụ mùa 2014, diện tích gieo trồng ước đạt 6.200ha, năng suất dự kiến 33 tạ/ha, sản lượng ước đạt 19.700 tấn. Với diện tích và sản lượng như trên đã góp phần nâng diện tích lúa vùng duyên hải miền Trung lên 538.000ha, chiếm 0,7% diện tích lúa cả nước, sản lượng đạt 2,99 triệu tấn, chiếm 0,68% sản lượng lúa cả nước.
Xét trên bình diện chung về an ninh lương thực, tỉnh Phú Yên có đủ điều kiện để đảm bảo an ninh lương thực, với sản lượng hàng năm sản xuất gần 350.000 tấn, vượt 2,83%, đảm bảo bình quân 386 kg/người/năm. Tuy nhiên, lo ngại trong thời gian đến tình hình mất đất nông nghiệp do lũ lụt tàn phá hàng năm, bên cạnh đó, sự thiếu hụt diện tích đất trồng lúa do đất nông nghiệp được lấy để phục vụ những mục đích khác và sự suy thoái, nghèo kiệt đất trồng lúa, ô nhiễm môi trường là những yếu tố đang hàng ngày hàng giờ đe dọa an ninh lương thực. Đặc biệt, Phú Yên có tới hàng vạn người trong nhóm bốn đối tượng người dân thường mất an ninh lương thực là dân cư vùng biển, buôn bán nhỏ, lao động thời vụ hoặc công nhân làm việc không ổn định và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi khó khăn.
Theo phân tích của các nhà khoa học, các kỹ sư thuộc ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên, một số điểm yếu cần khắc phục hiện nay là nhiều nông dân trồng lúa không thực hiện theo khuyến cáo của cán bộ khoa học nên năng suất, chất lượng thấp. Để vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực luôn đe dọa, cùng với cả nước, tỉnh Phú Yên cần chủ động giải quyết mọi vấn đề khó khăn đặt ra liên quan đến an ninh lương thực, chủ động ứng phó với những biến động trong bối cảnh mới của nền kinh tế toàn cầu.
Mô hình sản xuất giống lúa siêu lúa xanh ở thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) - Ảnh: L.TRÂM |
Từ năm 2013 đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh và Trường đại học Nông lâm Huế triển khai khảo nghiệm 20 giống trong bộ giống lúa chịu mặn từ Viện lúa Quốc tế (RIRI) chuyển giao. Qua theo dõi, khảo sát và đánh giá của chuyên gia, có 3 giống chịu được mặn, phát triển tốt cho năng suất cao.
Cùng với đó, trong 2 năm 2013-2014, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên đã thực hiện mô hình cánh đồng mẫu trong sản xuất lúa, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, như: “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, “cánh đồng 1 giống”, “cánh đồng lúa chất lượng”… áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, kể cả đầu tư cơ giới và thủy lợi. Ông Nguyễn Thành, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên, cho hay: Tại các huyện Tuy An, Đông Hòa, Tây Hòa, Đồng Xuân và TP Tuy Hòa, thời gian qua, các chương trình, dự án đưa tiến bộ khoa học xuống đồng ruộng như chương trình “3 giảm, 3 tăng”; “bốn nhà cùng ra đồng”; sản xuất giống nông hộ; chương trình Bucap và mới đây nhất là chương trình “1 phải 5 giảm” do Bộ NN-PTNT triển khai.
Trong thời gian đến, Sở NN-PTNT quy hoạch cánh đồng lúa chất lượng cao, cùng với đó chọn tạo các giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên. Theo đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục đầu tư mở các lớp tập huấn cho nông dân đưa tiến bộ khoa học xuống đồng ruộng. Theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, thời gian đến, ngành Nông nghiệp thực hiện mô hình cánh đồng mẫu trong sản xuất lúa chất lượng, mô hình lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Các mô hình mang ý nghĩa cánh đồng mẫu lớn nhưng trong đó có nhiều nông dân, là một hình thức mới để tập hợp nông dân trong điều kiện sản xuất hiện nay. Qua đó đưa giá trị kinh tế tăng từ 1,2 đến 1,3 lần so với cấy lúa đại trà. Đồng thời tiến hành xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm lúa gạo Phú Yên. Nông dân tham gia mô hình được tập huấn chuyển giao kỹ thuật mới, sản xuất theo hướng nâng cao giá trị hạt gạo, hạ chi phí sản xuất, phát triển sản lượng lương thực là nhân tố quyết định đến an ninh lương thực bền vững.
MẠNH HOÀI NAM