Nhân kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2014), Báo Phú Yên trao đổi với ông Trần Văn Cư, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh một số nội dung xung quanh công tác hội và phong trào nông dân.
* Nhiều hội viên, nông dân đang “khát vốn” để phát triển kinh tế gia đình. Hội Nông dân tỉnh giúp họ bằng cách nào, thưa ông?
- Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh đều triển khai chương trình liên tịch với các chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để làm cầu nối cho hội viên, nông dân tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi; đồng thời chỉ đạo các cấp hội thành lập tổ vay vốn và hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng phương án sản xuất để tín chấp vay vốn giải quyết việc làm, đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi… Đến nay, thông qua chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT, hội đã tín chấp giúp 23.962 hộ vay vốn với tổng dư nợ hơn 695 tỉ đồng và chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác cho 38.610 hộ nông dân nghèo và cận nghèo vay vốn với tổng dư nợ gần 569 tỉ đồng. Ngoài ra, từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân 7 tỉ đồng, Hội Nông dân tỉnh đã khảo sát, cho 344 hộ nông dân cấp xã vay và khuyến khích những hộ này nuôi con mới, cây trồng mới, chuyển đổi ngành nghề và hướng tới xây dựng các tổ liên kết hợp tác. Đến nay, toàn tỉnh đã có 74 mô hình kinh tế trang trại theo tiêu chí mới, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục ký kết các chương trình liên tịch với hai ngân hàng trên để hội viên, nông dân dễ dàng vay vốn.
* Hội Nông dân tỉnh đã làm gì để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cho nông dân?
- Để nông dân tiếp cận, nắm bắt kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, hàng năm Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm của Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các địa phương nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, nông dân cần học nghề gì để mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn phù hợp. Cụ thể, chúng tôi đã tổ chức các lớp về kỹ thuật trồng hành, các lớp thú y, trồng hoa cây cảnh, may công nghiệp, lớp điện dân dụng… Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh cũng phối hợp với Sở NN-PTNT tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi cho người dân ở các địa phương. Bên cạnh đó, các cấp hội còn chủ động phối hợp với các ngành, doanh nghiệp chuyển giao công nghệ, xây dựng mô hình trình diễn, cánh đồng mẫu, tổ chức hội thảo… cho hàng trăm ngàn lượt nông dân. Qua đó giúp nông dân chọn những mô hình hay, những giống cây, con năng suất, chất lượng và hiệu quả cao đưa vào sản xuất phù hợp với lợi thế từng địa phương. Nhờ vậy, đến nay toàn tỉnh đã có 57.322 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; trong đó có 455 hộ đạt cấp trung ương, 3.208 hộ đạt cấp tỉnh, 11.194 hộ đạt cấp huyện, còn lại là cấp xã. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các huyện, thị, thành hội chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân để họ có kiến thức áp dụng các mô hình làm ăn phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống.
* Thời gian tới, theo ông, Hội Nông dân tỉnh cần làm gì để bảo vệ quyền lợi sản phẩm của nông dân?
- Bảo vệ quyền lợi sản phẩm cho nông dân là một vấn đề lớn, đây không chỉ là trách nhiệm của Hội Nông dân mà các ban, ngành cần phải chung tay, góp sức. Hiện Hội Nông dân tỉnh tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để định hướng cho nông dân sản xuất những loại cây trồng, nuôi những vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế; đồng thời khuyến cáo người dân không nên nhân rộng một số mô hình không hiệu quả. Hội Nông dân tỉnh sẽ phối hợp với Sở Công thương và Sở NN-PTNT hướng dẫn bà con đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm của mình làm ra để bảo vệ quyền lợi trên thị trường.
* Xin cảm ơn ông!
TRUNG HIẾU (thực hiện)