Toàn huyện Sông Hinh có 5 hợp tác xã (HTX) và 3 tổ hợp tác (THT); trong đó, các THT hoạt động nhỏ lẻ, 3 HTX đã ngừng hoạt động, 2 HTX còn lại cũng chỉ xếp loại trung bình. Điều này khiến việc kiện toàn, phát triển thành phần kinh tế tập thể trên địa bàn huyện này gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Đến nay, trên địa bàn huyện có 5 HTX đăng ký hoạt động, nhưng trên thực tế 2 HTX đã ngừng hoạt động từ năm 2010 là HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đức Bình Đông và HTX Sản xuất nông nghiệp Đức Bình Tây 3; còn HTX Điện Sơn Giang đang tiến hành giải thể bắt buộc. Toàn bộ 5 HTX từ 225 thành viên tham gia nay chỉ còn 39 thành viên. Hiện trên địa bàn huyện còn 2 HTX đang hoạt động là HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp Tiền Hải (HTX Tiền Hải) và HTX kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp Hòa Tùng (HTX Hòa Tùng).
Hai HTX đang hoạt động cũng chỉ xếp loại trung bình. Thực tế cho thấy, 2 HTX này hoạt động bấp bênh, đứng trước nguy cơ giải thể. Nguyên nhân do các HTX này chỉ triển khai duy nhất một dịch vụ và kinh phí hoạt động HTX phụ thuộc hoàn toàn vào lợi nhuận dịch vụ đó. Khi dịch vụ gặp khó khăn, không tạo được doanh thu, không có vốn hỗ trợ dẫn đến HTX có nguy cơ phải giải thể. Ông Đặng Ngọc Diệu, Giám đốc HTX Tiền Hải, cho biết: “Năm 2011, HTX trúng thầu quản lý chợ trung tâm thị trấn Hai Riêng. Từ đó đến nay, HTX chỉ duy trì duy nhất dịch vụ này. Trong năm qua, HTX đạt doanh thu 500 triệu đồng, cho lãi trước thuế 50 triệu đồng; nhưng để nợ đọng lên tới 66 triệu đồng, trong đó có 30 triệu đồng nợ thuộc diện khó đòi. Nếu được tiếp tục khai thác và quản lý chợ thì HTX còn có nguồn thu và có cơ hội xử lý nợ. Nhưng theo quy định của UBND huyện, sau 3 năm, công tác quản lý chợ sẽ được đấu thầu lại và HTX tiếp tục làm hồ sơ đăng ký dự thầu. Trong trường hợp không trúng thầu thì chắc chắn HTX phải giải thể vì không có hoạt động gì để làm tiếp”. Còn tại HTX Hòa Tùng, đơn vị được coi là hoạt động tốt nhất hiện nay cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ông Phạm Ngọc Quang, Phó giám đốc HTX Hòa Tùng, cho biết: “Thành lập từ năm 2012, HTX Hòa Tùng hoạt động trên lĩnh vực trồng rừng và cung cấp cây giống. Từ khi thành lập đến nay, HTX mới chỉ triển khai duy nhất một dự án phủ xanh cảnh quan quanh khu trung tâm thị trấn Hai Riêng, do UBND huyện ký hợp đồng với HTX. Đến nay, công trình đã hoàn tất và UBND huyện Sông Hinh đã nghiệm thu. Hiện HTX đang duy trì dịch vụ tưới nước cỏ và cắt tỉa tạo dáng cho cây, chứ chưa làm thêm dịch vụ gì khác để có doanh thu…”.
Về THT, toàn huyện có 3 THT hoạt động trong lĩnh vực quản lý các công trình thủy lợi, thực hiện điều tiết nước phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, gồm THT Thủy nông Tân Lập (xã Ea Ly), THT Thủy nông Sơn Giang (xã Sơn Giang) và THT Thủy nông Đức Bình Tây (xã Đức Bình Tây). Tổng số thành viên tham gia THT 14 người. Các THT này còn rất nhỏ lẻ, chỉ tương đương với mô hình kinh tế hộ gia đình.
Để khắc phục tình trạng này, UBND huyện Sông Hinh đã thành lập Ban chỉ đạo đổi mới kinh tế tập thể huyện và triển khai đề án Kiện toàn, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể đến năm 2015 của tỉnh. Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Trong kế hoạch kiện toàn thành phần kinh tế tập thể trên địa bàn huyện, UBND huyện chủ trương khôi phục lại các HTX đã ngừng hoạt động; cho ra đời các HTX mới theo chương trình xây dựng nông thôn mới nhưng dựa trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tế tại các xã. Hiện UBND huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan trong huyện phối hợp với UBND các xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây hướng dẫn 2 HTX đóng trên địa bàn đã ngừng hoạt động là HTX Đức Bình Đông và HTX Đức Bình Tây 3 xây dựng lại phương án sản xuất kinh doanh. UBND huyện đặt mục tiêu đến năm 2015 phấn đấu có 4 xã, thị trấn có HTX, THT làm ăn hiệu quả; tại các xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống sẽ xây dựng mỗi xã một mô hình THT, HTX.
HẢI PHONG