Từ một xã đặc biệt khó khăn, đến nay xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) đã có nhiều thay đổi với hệ thống đường liên xã được bê tông hóa, kinh tế phát triển, đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Xã Sơn Phước nằm cách trung tâm huyện Sơn Hòa 21km. Toàn xã có 915 hộ, 3.721 khẩu với 5 dân tộc anh em sinh sống là Chăm Hroi, Ba Na, Ê Đê, S’Tiêng và Kinh, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95% dân số toàn xã. Ông Sô Văn Vinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Sơn Phước, cho biết: Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, hệ thống giao thông trong xã gồm 14 tuyến đường tại 5 thôn, buôn với tổng chiều dài hơn 2km đã được bê tông hóa khang trang sạch đẹp. Trong phát triển kinh tế - xã hội, 5 năm qua cán bộ và nhân dân xã Sơn Phước thực hiện đường lối đổi mới của UBND huyện Sơn Hòa về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, lấy cây mía và con bò lai làm chủ lực, kết hợp với cây lúa nước 2 vụ nên đời sống của người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều thay đổi.
Nếu cây lúa nước mang lại cho người dân ở đây cuộc sống ổn định với nguồn lương thực tại chỗ thì cây mía và con bò lai đang giúp người dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện tổng diện tích đất trồng cây hàng năm của xã là 2.160ha, trong đó cây mía chiếm hơn 80%. Ông Sô Minh Lộc, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Phước, cho biết: Cây mía đang là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên trong 5 năm qua diện tích trồng mía hàng năm đều tăng. Năm 2010, từ diện tích mía chỉ có 1.763ha với chủ yếu là giống mía địa phương cho năng suất thấp, đến năm 2014 diện tích mía là 1.970ha, tăng hơn 200ha. Trong 3 năm liền (từ 2011 đến 2013), xã Sơn Phước được Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam khen thưởng là xã có sản lượng mía nhập về nhà máy cao nhất so với các xã trong huyện. Cây mía mang lại thu nhập trung bình từ 200 triệu đồng/năm đến 500 triệu đồng/năm cho nhiều hộ gia đình ở đây.
Ông Ma Giảng ở thôn Tân Hòa, một điển hình về phát triển kinh tế hộ trong xã, chia sẻ: “Từ khi xã Sơn Phước trở thành vùng quy hoạch mía của nhà máy đường KCP, tôi được nhà máy tạo điều kiện đi học hỏi tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn, các mô hình trình diễn để áp dụng vào canh tác trên diện tích sản xuất mía của gia đình. Hiện 5ha mía của gia đình tôi cho thu nhập trung bình 350 triệu đồng/năm. Gia đình tôi có điều kiện sắm riêng 1 ô tô chở mía, xây nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt hàng ngày”.
Giống như cây mía, số lượng bò lai cũng tăng lên trông thấy. Từ chỗ 80% tổng đàn bò là giống bò địa phương thì hiện nay tổng đàn bò toàn xã là 1.375 con, trong đó có 700 con bò lai, chiếm tỉ lệ 51% tổng đàn. Theo ông Ma Khải ở thôn Tân Hiên, từ chỗ gia đình ông được hỗ trợ 1 con bò cái giống từ nguồn vốn phát triển sản xuất của Chương trình 135, thì đến nay đã phát triển thành đàn bò 5 con. Bò lai sinh trưởng phát triển tốt, giúp gia đình ông vừa có sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa có thể bán được giá cao.
Ở xã Sơn Phước, người dân không chỉ trồng mía, nuôi bò, nhiều hộ nhờ có đất đã phát triển kinh tế trang trại, mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện toàn xã Sơn Phước có 7 hộ làm kinh tế trang trại, trong đó 3 hộ được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại nông lâm kết hợp. Mỗi hộ có diện tích trang trại 10ha, cho doanh thu từ 700 triệu đồng đến gần 1 tỉ đồng/năm. 4 hộ còn lại mỗi hộ cho doanh thu từ 100 triệu đồng/năm đến gần 700 triệu đồng/năm.
Ông Lương Văn Lách, Trưởng phòng Dân tộc huyện Sơn Hòa, cho biết: Sơn Phước là một trong những xã điển hình trong huyện về xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Từ năm 2011, số hộ nghèo toàn xã chiếm 35,23% nhưng đến năm 2014 hộ nghèo đã giảm còn 15,18%. Hiện toàn xã có 90% hộ dân có nhà ngói kiên cố, 95% hộ có xe máy, 98% gia đình có tivi. Ghi nhận những nỗ lực của chính quyền và đồng bào trong xã, nhiều năm liền xã được nhận bằng khen của UBND tỉnh, Thủ tướng Chính phủ.
MINH DUYÊN