Từ năm 2005 đến nay, Phú Yên được Trung ương hỗ trợ hơn 87,8 tỉ đồng để đầu tư xây dựng 118 công trình ở 16 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư tại đây đã đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại, sinh hoạt, phát triển sản xuất và tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống người nghèo, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế. Để đảm bảo mục tiêu giảm nghèo bền vững, Chính phủ cần tăng mức hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển.
NHIỀU CÔNG TRÌNH PHÁT HUY HIỆU QUẢ
Đến nay, Phú Yên có 16 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất, từng bước nâng cao và ổn định đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Xuân Thịnh (TX Sông Cầu) là 1 trong 3 xã đầu tiên của Phú Yên được công nhận xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển từ năm 2004. Theo UBND xã Xuân Thịnh, từ nguồn hỗ trợ đầu tư xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và nhiều nguồn vốn khác, đến nay, Xuân Thịnh đã đầu tư xây dựng được 15 công trình, chủ yếu là đường giao thông nông thôn với tổng số tiền hơn 9,7 tỉ đồng. Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh, cho biết: “Các công trình này sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy tác dụng, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu và nâng cao đời sống người dân. Từ năm 2005 đến nay, trong 15 công trình được đầu tư trên địa bàn xã Xuân Thịnh có 13 công trình là đường giao thông nông thôn, các công trình này đã giúp cải thiện giao thông đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay ở Xuân Thịnh vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế phát triển chưa ổn định, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn khá cao, trình độ dân trí còn thấp. Hiện nay suất đầu tư hàng năm để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu còn ít, đề nghị Chính phủ và tỉnh nâng suất đầu tư này cao hơn…”.
Huyện Tuy An có 8 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã An Chấn (huyện Tuy An), cho biết: “An Chấn được công nhận xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển từ năm 2013. Đến nay, trên địa bàn xã có 3 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng, trong đó có 1 công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đó là chợ trung tâm xã được Trung ương hỗ trợ 800 triệu đồng. Sau khi đưa vào hoạt động từ cuối năm 2013 đến nay, chợ trung tâm xã đã đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận người dân trong xã”. Theo UBND huyện Tuy An, từ năm 2005 đến nay, toàn huyện có 62 công trình được đầu tư xây dựng trên địa bàn 8 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển của huyện với tổng số tiền hơn 45 tỉ đồng. Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: “Hiện nay, mức vốn hỗ trợ còn ít so với nhu cầu đầu tư của địa phương nên chỉ đầu tư những dự án có hạn mức đầu tư nhỏ. Địa phương phải thực hiện lồng ghép nhiều nguồn vốn, nhiều chương trình thì mới đầu tư được dự án có quy mô lớn hơn. Hiện nay, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển rất cần được đầu tư mới, nâng cấp sửa chữa một số công trình thiết yếu như chợ, trạm y tế… để đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhưng theo quy định hiện nay thì nguồn vốn này không cho phép đầu tư các hạng mục, công trình nêu trên, nên địa phương đang gặp khó khăn”.
Chợ trung tâm xã An Chấn (huyện Tuy An) đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân địa phương - Ảnh: A.NGỌC |
CẦN TĂNG SUẤT ĐẦU TƯ
Theo UBND tỉnh, từ năm 2005 đến nay, Phú Yên được Trung ương hỗ trợ hơn 87,8 tỉ đồng để đầu tư xây dựng 118 công trình. Qua hỗ trợ đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được một số công trình thiết yếu phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư tại các xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển đã đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại, sinh hoạt, phát triển sản xuất… và tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống người nghèo, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế và hướng đến xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn, Phú Yên là tỉnh nghèo còn nhận trợ cấp ngân sách từ Trung ương, do đó ngân sách địa phương đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo cũng như các lĩnh vực khác chưa nhiều. Khó khăn lớn nhất là nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ Trung ương rất ít so với nhu cầu về xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, do đó còn nhiều công trình thiết yếu không đủ vốn để đầu tư. Trong khi đó, kế hoạch vốn của Trung ương phân bổ hàng năm bị chậm nên địa phương không chủ động được nguồn vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư nên thường chậm so với niên độ tài chính. Theo định mức hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng mỗi năm đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển là 1 tỉ đồng/xã, nhưng từ năm 2013 ở Phú Yên có 16 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển nhưng Trung ương chỉ phân bổ 15 tỉ đồng. Theo Quyết định 551 ngày 4/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ thì mức hỗ trợ vốn năm 2014 và năm 2015 tăng 1,5 lần so với định mức vốn năm 2013 (mỗi năm mỗi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển được hỗ trợ 1,5 tỉ đồng), nhưng năm 2014 Phú Yên cũng chỉ được phân bổ vốn hỗ trợ cho 16 xã này là 15 tỉ đồng. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn, cho biết: UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị các bộ, ngành Trung ương phân bổ đủ vốn theo Quyết định 551 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời nghiên cứu trình Chính phủ có kế hoạch phân bổ vốn theo hình thức trung hạn 3 năm hoặc 5 năm để địa phương chủ động trong triển khai thực hiện. UBND tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ tăng mức hỗ trợ cho các tỉnh nghèo còn nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển để đảm bảo mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đồng thời, Chính phủ nên quan tâm xem xét chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hỗ trợ trong khâu tiêu thụ sản phẩm của ngư dân nhằm tạo điều kiện để ngư dân ổn định sản xuất, thoát nghèo bền vững”.
ANH NGỌC