Tình trạng ô nhiễm môi trường từ điểm chăn nuôi tại các hộ gia đình theo kiểu tự phát ở TP Tuy Hòa khiến nhiều người dân sống xung quanh bức xúc. Tuy nhiên, hiện chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để vấn đề này.
Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm như heo, bò, gà… diễn ra khá phổ biến ở nhiều khu vực dân cư quanh trung tâm TP Tuy Hòa. Điển hình như tại phường 9, hiện có nhiều người dân chăn nuôi heo với quy mô hộ gia đình. Theo nhiều người dân ở đây, việc chăn nuôi này diễn ra từ nhiều năm nay. Mỗi gia đình thường nuôi dưới 10 con heo hoặc bò. Tuy nhiên, vì nuôi theo kiểu tự phát, quy mô nhỏ lẻ nên đa số các hộ không có biện pháp xử lý phân thải, chuồng trại đúng cách, khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bà Bùi Thị Thảo ở phường 9 cho biết: “Gia đình tôi ở cạnh một hộ nuôi heo. Hộ này nuôi khoảng 5 con heo nhưng không có hầm xử lý phân, nên mùi hôi bốc ra xung quanh. Quanh năm, chúng tôi phải sống chung với mùi phân heo. Mỗi khi trời có gió, mùi này lại phát tán rộng, rất khó chịu. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên khu phố và góp ý với gia đình này nhưng mọi việc vẫn đâu vào đấy”. Hay tại khu vực chợ Hầm Nước, phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa, mọi người ở đây đều ngán ngẩm mỗi khi trời nắng hay có gió, mùi hôi thối bốc ra từ khu vực chăn nuôi heo đen của một hộ dân ở đây. Đặc điểm của loài heo này là chăn thả vườn nên phân heo gần như không được xử lý. Điểm nuôi heo này lại nằm sát chợ Hầm Nước khiến các tiểu thương cũng như người dân đi chợ rất bức xúc vì mùi hôi lan ra khắp một vùng.
Trên đoạn đầu đường Mậu Thân (đoạn gần với đường Trần Phú), đường Trần Suyền, phường 9, nhiều người đi đường cảm thấy khó chịu mỗi khi đi qua đoạn đường có chuồng bò được xây dựng ngay bên đường. Điều bức xúc nhất là chủ nhà lại cho xây nơi chứa phân bò quay ra mặt đường. Phân bò vì thế tràn ra bên ngoài. Ở bên kia đường, người dân lại thường cột bò, phân bò rơi vãi khắp lề đường. Ông Nguyễn Nam ở phường 9 bức xúc: “Mỗi khi đi qua các đoạn đường này, tôi đều phải mang khẩu trang vì mùi hôi xộc vào mũi. Bò được nuôi trong chuồng ngay bên đường nên mùi khai, thối từ nước tiểu, phân nồng nặc. Nhất là những khi trời mưa, nước phân chảy ra đường khiến ai cũng ngán ngẩm”.
Không chỉ ở các khu vực trên mà ngay tại trung tâm TP Tuy Hòa cũng xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường từ các hộ chăn nuôi gia súc. Nhiều năm nay, người dân ở đường Lý Thường Kiệt, phường 7 phải sống chung với mùi hôi của phân bò, phân heo bay ra từ một số hộ chăn nuôi ở đây. Chỉ trên một đoạn ngắn của đường Lý Thường Kiệt nhưng có tới 5 hộ chăn nuôi heo, bò. Bà Trần Thị Hồng Đông, một người dân ở đây, cho biết: “Mỗi khi có gió nam là nhà tôi lãnh đủ vì mùi hôi từ phân bò, phân heo bay xộc vào nhà. Không chỉ vậy, các hộ chăn nuôi này thường xin thức ăn thừa của mọi nhà về làm thức ăn cho heo nhưng lại để nhiều ngày nên ôi thiu, mùi bay khắp xóm. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên phường về vấn đề này nhưng vẫn chưa thấy xử lý”.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Dy, Phó chủ tịch UBND phường 7, việc xử lý các hộ dân chăn nuôi gây ảnh hưởng đến các hộ dân sống xung quanh gặp rất nhiều khó khăn. Đa số các hộ chăn nuôi này thường là những gia đình khó khăn về kinh tế nên khó có thể xử phạt hành chính. Mặt khác, muốn xử phạt cũng không có căn cứ vì họ chăn nuôi nhỏ lẻ, khi xử lý ô nhiễm môi trường phải có mẫu đưa đi kiểm tra mức độ ô nhiễm nhưng việc này mất rất nhiều thời gian và kinh phí. Địa phương thường xuyên cử cán bộ đến các gia đình để vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp xử lý chuồng trại, phân thải của vật nuôi để đảm bảo môi trường xung quanh. Cũng trong tình trạng tương tự, theo ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó chủ tịch UBND phường 9, vừa qua, địa phương này cũng đã kiểm tra, nhắc nhở một số trường hợp chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn và buộc phải thực hiện cam kết bảo vệ môi trường chung. Đối với các hộ chăn nuôi heo, phường khuyến khích người dân làm hầm biogas để xử lý phân thải.
NHƯ THANH