Chủ Nhật, 29/09/2024 05:01 SA
Tái cơ cấu sản xuất lúa gạo:
Khuyến khích doanh nghiệp thuê đất trồng lúa
Thứ Ba, 30/09/2014 11:00 SA

Nông dân TP Tuy Hòa thu hoạch lúa - Ảnh: M.ĐĂNG

Được chọn là một trong những sản phẩm chủ lực để đầu tư tái cơ cấu, sản xuất và xuất khẩu lúa gạo đang đứng trước cơ hội lớn để đổi mới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có giải pháp mang tính đột phá và tư duy sản xuất mới thì khó có thể hy vọng vào sự đổi thay.

 

VẪN CÒN GIAN KHÓ

 

Liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn là một trong những giải pháp được chọn lựa để thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2013 có 13 tỉnh Nam Bộ xây dựng được 369 mô hình cánh đồng mẫu lớn, với tổng diện tích khoảng 120.500ha; các tỉnh đồng bằng sông Hồng xây dựng được 1.265 mô hình với diện tích 35.518ha. Năm 2014, phong trào xây dựng cánh đồng lớn tiếp tục được mở rộng trên địa bàn cả nước với quy mô hàng trăm nghìn héc ta.

 

Hiệu quả kinh tế bước đầu của mô hình cánh đồng mẫu lớn đã được khẳng định khi góp phần giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Nhưng một nguyên tắc đảm bảo thành công của mô hình là phải có sự vào cuộc của doanh nghiệp giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm thì không phải ở đâu cũng làm được. Đơn cử như vụ hè thu năm 2014, có 16 doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thực hiện liên kết sản xuất cánh đồng mẫu lớn và đã ký hợp đồng tiêu thụ lúa cho nông dân với diện tích gần 12.900ha, nhưng thực tế chỉ có hơn 9.000ha được doanh nghiệp tiêu thụ, bằng khoảng 80% kế hoạch. Nếu tính cả diện tích được liên kết sản xuất nằm ngoài chương trình thí điểm theo Quyết định 62 của Chính phủ về khuyến khích xây dựng cánh đồng lớn thì vụ hè thu vừa qua, tỉ lệ diện tích thực tế được doanh nghiệp tiêu thụ chỉ đạt hơn 42.600ha, chiếm 55% so với tổng diện tích được các doanh nghiệp đăng ký (77.420ha). Đây chính là lý do khiến nhiều nông dân chưa mặn mà với mô hình và kết quả của quá trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn cũng chưa trọn vẹn.

 

Cho đến thời điểm này, dù thành tích xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam rất đáng nể nhưng nông dân vẫn chưa sống được với nghề trồng lúa. Đơn cử như ở đồng bằng sông Cửu Long, vùng trọng điểm sản xuất lương thực của cả nước với diện tích canh tác khoảng 1,8 triệu hécta lúa, diện tích gieo trồng hơn 3,8 triệu hécta, chiếm 54,82% cả nước, sản lượng lương thực hàng năm đạt 24,92 triệu tấn, chiếm 56,63% nhưng tại khu vực này, tới nay cơ cấu gieo trồng vẫn là 45% giống phẩm cấp gạo thấp, 35% giống chất lượng gạo trung bình và chỉ 20% giống chất lượng cao khiến giá trị gạo Việt Nam không cao. Việc thương lái phân phối lưu thông tới 90% sản lượng gạo khiến lợi nhuận của nông dân bị cắt xén, chưa thể đảm bảo 30% lãi.

 

Theo ông Phạm Đồng Quảng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) năm 2013, vùng đồng bằng sông Cửu Long chuyển đổi khoảng 87.310ha gieo trồng, vùng duyên hải Nam Trung Bộ chuyển đổi 6.884ha, các tỉnh phía Bắc cũng có hàng nghìn hécta đất trồng lúa chuyển sang canh tác rau màu, cây ăn quả, cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy vậy, việc phát triển không theo quy hoạch, làm theo phong trào vẫn xảy ra ở nhiều địa phương khiến nông dân phải chịu nhiều thiệt thòi khi thị trường có biến động.

 

TÁI CƠ CẤU THEO HƯỚNG GIA TĂNG GIÁ TRỊ

 

Coi việc tái cơ cấu ngành trồng trọt là một cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp. Ông Quảng cho rằng, chúng ta đã giữ cách làm cũ, coi phát triển theo số lượng là mục tiêu chính quá lâu. Đã đến lúc phải vận động nông dân sản xuất an toàn, hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bền vững với môi trường. “Muốn làm được điều đó, trước hết phải xác định được sản phẩm chủ lực, có lợi thế, có thị trường ổn định và có thể cạnh tranh được để đầu tư phát triển trên cơ sở áp dụng khoa học công nghệ và cải tiến giống”, ông Quảng nói.

 

Ông Quảng cho biết thêm, cục đang hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển ngành trồng trọt đến năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành trong quý 4 năm nay. Từ nay đến cuối năm cũng sẽ trình 7 đề án phục vụ tái cơ cấu ngành trồng trọt, tập trung vào các chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, cà phê, cao su, điều, mía đường, rau hoa quả… Trong đó, định hướng lúa gạo là ngành hàng chiến lược quan trọng số 1 của trồng trọt.

 

Việc áp dụng quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất lúa được xem là giải pháp mang tính đột phá để tạo nên những sản phẩm đạt chất lượng. Vì vậy sẽ khuyến khích người dân áp dụng quy trình sản xuất phù hợp như VietGAP, “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, SRI,… nhằm đạt năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm chi phí, hạ giá thành, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường; sử dụng hạt giống xác nhận, không sử dụng lúa thịt làm giống, sử dụng hạt giống có màng bọc chế phẩm sinh học để cây mạ khỏe; áp dụng công cụ sạ hàng, giảm mật độ cấy, gieo sạ, giảm lượng hạt giống sử dụng trên một đơn vị diện tích ở khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ xuống còn 80kg/ha; sử dụng phân bón tổng hợp NPK có bổ sung trung lượng, vi lượng chuyên dùng cho từng giai đoạn, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh kết hợp bón rễ, bón lá; áp dụng rộng rãi IPM; tưới nước tiết kiệm,…

 

Liên kết xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu là giải pháp quan trọng để sản xuất lúa hàng hóa đảm bảo thành công. Theo đó, tổ chức liên kết nông dân thành tổ nhóm, hợp tác xã; thành lập các hội, hiệp hội đại diện cho nông dân trong xây dựng chính sách, giá thu mua; khuyến khích các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài đầu tư thuê đất để sản xuất giống lúa, sản xuất lúa gạo tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu. Doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu đóng vai trò chủ đạo, gắn kết nông dân với thị trường, hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ sản phẩm. Về đổi mới chính sách, thể chế, sẽ áp dụng cơ chế điều hành tỉ giá linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường; mở rộng hình thức cho vay theo chuỗi sản xuất; có chính sách tăng cường vai trò của hợp tác xã thông qua phát triển kinh tế hợp tác gắn với tổ chức thôn, bản.

 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Tái cơ cấu là lối thoát duy nhất cho ngành trồng trọt để từ bỏ phương thức sản xuất cũ, lấy tăng số lượng là mục tiêu. Bây giờ mục tiêu quan trọng hơn là tăng chất lượng, tăng thu nhập cho nông dân một cách bền vững. Quá trình tái cơ cấu sẽ không thể thành công nếu không có sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương, không có sự hỗ trợ vốn của các tổ chức tín dụng và đặc biệt nếu Chính phủ không thay đổi cơ cấu đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thì chặng đường đổi mới sẽ còn nhiều gian nan”.

 

KHÁNH NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek