Thời gian thực hiện gói thầu số 2 dự án Tuyến nối quốc lộ 1 đến KCN Hòa Hiệp (giai đoạn 1) đã trôi qua được một nửa nhưng khối lượng thi công mới chỉ đạt 25%. Nguyên nhân chậm tiến độ là do mặt bằng xây dựng cầu Bầu Bèo - một hạng mục của gói thầu - bị vướng một đám ruộng đang trong giai đoạn tranh chấp.
3 THÁNG MẤT NỬA TỈ ĐỒNG
Gói thầu số 2 dự án Tuyến nối quốc lộ 1 đến KCN Hòa Hiệp (giai đoạn 1) do Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng 72 trúng thầu thi công với giá trị 68 tỉ đồng. Gói thầu này gồm 2 hạng mục là cầu Bầu Bèo dài 33m, rộng 42m, tải trọng thiết kế 30 tấn và phần đường dài hơn 1km (từ km1+860 đến km2+800). |
Khác với không khí sôi động cách đây vài tháng, hiện nay, trên công trường thi công gói thầu số 2 dự án Tuyến nối quốc lộ 1 đến KCN Hòa Hiệp (giai đoạn 1) chỉ có lèo tèo vài công nhân giữ vật liệu xây dựng hoặc làm một số việc đơn giản; còn các máy đào, máy khoan cọc nhồi, máy ủi… thì nằm phơi mưa phơi nắng vì không hoạt động từ lâu.
Ông Nguyễn Văn Trung, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng 72 - nhà thầu thực hiện gói thầu số 2, cho biết: Gói thầu được khởi công từ cuối năm 2013, thời gian thực hiện trong 18 tháng; theo kế hoạch, sẽ hoàn thành vào tháng 6/2015. Từ khi khởi công đến cuối tháng 6/2014, nhà thầu đã hoàn thành mố cầu M2 và đắp cát, đào đất hữu cơ, xây móng chân khay trên đoạn đường dài khoảng 400m; đạt được 25% khối lượng gói thầu. Từ đầu tháng 7 đến nay, công trình “đứng bánh” vì vướng giải phóng mặt bằng ở 2 đoạn. Trong đó, đoạn cuối tuyến dài khoảng 300m từ đường dân sinh đến đường sắt bắc nam qua xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa), còn 22 hộ dân chưa được di dời, tái định cư. Đoạn vướng nhất là đám ruộng của ông Cao Tuần ở thôn Phước Lâm, xã Hòa Hiệp Bắc; nằm tại vị trí xây dựng mố M1 của cầu Bầu Bèo. Từ khi phát sinh tranh chấp về chủ quyền đám ruộng này, mỗi khi đơn vị thi công đưa máy móc, thiết bị đến khoan cọc, làm mố thì gia đình ông Tuần ra ngăn cản khiến nhà thầu phải nhiều lần tạm dừng thi công. Thời gian qua, ông Tuần còn cắm biển “CẤM” trên chân ruộng, thể hiện thái độ phản đối, không cho nhà thầu thi công nếu chưa được giải quyết tranh chấp một cách thỏa đáng.
Theo ông Trung, mỗi ngày không làm việc, nhà thầu mất hơn 500.000 đồng tiền khấu hao thiết bị, máy móc, trả lương tối thiểu cho nhân công. Tính ra, sau 3 tháng công trình “đứng bánh”, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng 72 đã mất nửa tỉ đồng. Ngoài ra, thiệt hại lớn nhất hiện nay là ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn bộ dự án Tuyến nối quốc lộ 1 đến KCN Hòa Hiệp (giai đoạn 1). Trong khi đó, mùa mưa bão đang đến gần, phần hạ bộ cầu Bầu Bèo vẫn đang dở dang, đơn vị thi công sẽ khó hoàn thành công trình theo đúng hợp đồng đã ký với chủ đầu tư. “Từ khi xảy ra vướng mắc khiến công trình ngừng triển khai đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng 72 đã nhiều lần báo cáo sự việc với chủ đầu tư và UBND huyện Đông Hòa nhờ can thiệp nhưng vẫn chưa có kết quả. Nếu tình trạng này kéo dài, nhà thầu buộc phải rút máy móc đi làm công trình khác chứ không thể nằm im một chỗ như thế mãi”, ông Trung nói.
CHỜ PHÁN QUYẾT CỦA TÒA ÁN
Liên quan đến việc tranh chấp ruộng của ông Cao Tuần, ông Huỳnh Tấn Tự, cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Hòa cho biết: Tháng 3/1996, UBND huyện Tuy Hòa (cũ) đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) trên diện tích ruộng 720m2 mà gia đình ông Tuần đang canh tác. Đến năm 2004, sau khi kiểm tra, đo đạc và cân đối lại đất ruộng theo Nghị định 64-CP về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sử dụng đất nông nghiệp, UBND huyện đã cấp lại sổ đỏ mới cho hộ ông Tuần với diện tích 215m2; phần còn lại có diện tích 470m2, huyện cấp sổ đỏ cho gia đình ông Trần Bá Khiêm. Đến năm 2013, khi huyện Đông Hòa có chủ trương thu hồi phần đất nói trên để phục vụ dự án Tuyến nối quốc lộ 1 đến KCN Hòa Hiệp (giai đoạn 1), gia đình ông Tuần đưa ra cả hai sổ đỏ (năm 1996 và 2004) để tranh chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu được nhận toàn bộ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, do hộ ông Trần Bá Khiêm cũng có sổ đỏ phần đất nói trên nên xảy ra tranh chấp.
Theo ông Tự, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa Nguyễn Tài đã nhiều lần kiểm tra thực địa, đến tận nhà ông Cao Tuần và Trần Bá Khiêm để đối thoại, vận động hai gia đình cùng thống nhất giải quyết việc này nhưng ông Tuần vẫn không đồng ý. Đến nay, vụ việc đã được Tòa án nhân dân huyện Đông Hòa thụ lý giải quyết. Số tiền đền bù cho tổng diện tích 685m2 nói trên là hơn 147,6 triệu đồng, cũng đã được chuyển vào Kho bạc Nhà nước huyện Đông Hòa, chờ phán quyết của tòa án rồi huyện mới tiến hành chi trả cho người dân.
VIỆT AN - THANH HOÀI