Như Báo Phú Yên đã phản ánh, một số hộ dân ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) còn mù mờ trong việc sử dụng phân bón lá hiệu ANNONG GROW do Công ty TNHH An Nông gia công, đóng gói. Loại phân này sử dụng cho cây xoài nhưng một số người dân lại đem tưới cho cây mai, quất làm lá vàng úa và rụng trái. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy còn rất nhiều nông dân khác ở Bình Kiến và phường 9 cũng không rành khi sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc cây.
Theo Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Kiến Nguyễn Văn Sáng, toàn xã hiện có trên 2.200 hộ, trong đó có trên 1.000 hộ trồng hoa cây cảnh chủ yếu là cây mai, quất, cúc và phát triển mạnh ở các thôn Liên Trì 1, Liên Trì 2 và thôn Phú Vang. Để người dân nắm bắt các quy trình, kỹ thuật chăm sóc hoa, cây cảnh, lúa từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân xã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức 4 lần hội thảo đầu bờ cho các xã viên và 2 ngày giới thiệu về các loại thuốc bảo vệ thực vật cho hơn 200 hội viên, nông dân trong xã để biết cách chăm sóc mai, quất.
Tuy nhiên, hiện vẫn có hàng trăm người dân ở địa phương này vẫn còn mù mờ trong việc sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật để phun cho cây mai, quất. Nhiều người sử dụng phân, thuốc theo kinh nghiệm nhiều năm trồng cây, còn không ít người thì đến đại lý nói chứng bệnh, sau đó đại lý bán thuốc để về phun, tưới cho mai, quất của vườn nhà. Ông Nguyễn Phước Bình ở thôn Liên Trì 2 có trên 14 năm trồng mai, hiện đang sở hữu 1.000 chậu từ 5 năm tuổi trở lên nhưng đến nay vẫn không rành các loại thuốc bảo vệ thực vật. Ông Bình nói: “Mỗi lần mai bị bệnh, tôi bứt lá mai đó đem ra tiệm thuốc bảo vệ thực vật cho họ xem, đón chứng bệnh rồi bán thuốc để phun thôi”. Ông Bình còn nói, những hộ trồng quất ở địa phương này cũng đều không rành, mỗi lần quất hư cũng đều xử lý như ông.
Không chỉ nhiều người dân ở Bình Kiến mà một số hộ dân ở phường 9 cũng không rành. Ông Nguyễn Đình Nam ở thôn Ninh Tịnh 5, phường 9 có 6 năm trồng mai nhưng chưa một lần đi tập huấn. Ông Nam nói: “Vì có một mảnh đất trống nên thấy người ta trồng mai tôi cũng mua 100 chậu về trồng thôi. Còn việc chăm sóc thì hàng ngày tôi tưới nước 2 lần, lâu lâu lại bón phân, còn mỗi lần mai bị rầy hay sâu bệnh thì tôi đến đại lý thuốc nói cách thức thì họ bán liền”. Ông Nam còn nói, hiện thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều loại, trong đó có cả thuốc của nước ngoài nên tôi cũng chẳng biết công dụng của từng loại thuốc, chủ yếu nói triệu chứng cho đại lý bán thôi.
Người trồng mai, quất ở Bình Kiến và phường 9 lâu nay thường đặt niềm tin vào các đại lý bán phân thuốc nhưng hiện có một số đại lý bán phân, thuốc bảo vệ thực vật vẫn không có kiến thức về thuốc nên chỉ bán theo kinh nghiệm của họ thôi, chủ yếu là đọc hướng dẫn trên bao bì, chai lọ để bán.
Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Trần Huệ Hoa Huyền Huyền thừa nhận: “Thời gian qua, thanh tra của chi cục đi kiểm tra tại một số địa bàn thì cũng phát hiện một số trường hợp bán thuốc bảo vệ thực vật nhưng chưa qua lớp tập huấn và cấp giấy chứng nhận của chi cục. Vì thế, những trường hợp này đã được nhắc nhở phải nộp hồ sơ để chi cục tổ chức tập huấn và cấp chứng nhận”. Bà Huyền còn cho biết, đối với những trường hợp bị nhắc nhở mà không chịu làm hồ sơ thì khi thanh tra của Chi cục kiểm tra lại mà phát hiện không có giấy chứng nhận sẽ phạt theo quy định của Nhà nước. Trong năm nay, chi cục cũng đã mở một lớp tập huấn rồi, đến giờ chi cục đã nhận được 20 hồ sơ và sẽ chuẩn bị tổ chức tập huấn vào năm 2015.
Theo phản ánh của Báo Phú Yên ra ngày 21/9 tình trạng một số hộ dân ở xã Bình Kiến dùng phân bón lá nhãn hiệu ANNONG GROW bón cho mai, quất dẫn đến rụng trái và lá. Chiều 22/9, Báo Phú Yên nhận được văn bản trả lời do ông Hoàng Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty An Nông tại Long An ký khẳng định: Người dân đã sử dụng sản phẩm “Hoa đồng loạt” tưới trên cây mai không đúng theo hướng dẫn và khuyến cáo trên nhãn. Vì loại phân bón này dùng cho cây xoài nên công ty không chịu trách nhiệm. |
NGUYỄN CHƯƠNG