Trạm thu phí Bàn Thạch (xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa) thuộc quản lý của Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên đã được Bộ GTVT đã đầu tư kinh phí lớn để xây dựng thành trạm hiện đại nhất Việt
Cán bộ của trạm thu phí Bàn Thạch phải rất dè sẻn khi sử dụng nước sinh hoạt hàng ngày - Ảnh: HOÀI TRUNG
Trạm thu phí Bàn Thạch do PMU18 làm chủ đầu tư và là một trong những công trình lớn thuộc dự án cải tạo 5 cầu lớn ở miền Trung (trong đó Phú Yên có cầu Tam Giang, Đà Rằng và Bàn Thạch) bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản.
DỰ ÁN HIỆN ĐẠI, HOẠT ĐỘNG THỦ CÔNG
Theo thiết kế, trạm thu phí Bàn Thạch được đầu tư xây dựng để trở thành trạm hiện đại nhất nước với hệ thống kiểm soát bằng thẻ từ của Pháp cùng các thiết bị đồng bộ và mới hoàn toàn. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động (7/2005), đây vẫn là một trạm bán thủ công. Thêm nữa, theo Trạm trưởng Bùi Văn Cườm, một số thiết bị của trạm như 8 chiếc máy lạnh và 1 máy vi tính lại là đồ đã qua sử dụng và hiện toàn bộ số máy lạnh trên đã hư hỏng. Hơn thế, việc kiểm soát bằng thẻ từ cũng không thực hiện được bởi không hiểu vì lý do gì mà đến nay trạm chưa được trang bị hệ thống này.
Bên cạnh đó, một số hạng mục thuộc nhà làm việc của trạm cũng đã xuống cấp rất nhanh, nhưng đến nay PMU18 vẫn chưa chỉ đạo nhà thầu khắc phục nên công trình đã đưa vào sử dụng hơn hai năm mà vẫn chưa thể nghiệm thu hết bảo hành theo qui định.
THIẾU NƯỚC SINH HOẠT TRẦM TRỌNG
Do trạm xây dựng ở xa khu dân cư, nguồn nước lại bị nhiễm phèn nhiễm khuẩn nhưng khi khảo sát và thiết kế, các đơn vị tư vấn đã không có giải pháp triệt để nên kể từ khi đi vào hoạt động, việc thiếu nước sinh hoạt diễn ra triền miên. Nước ở đây được bơm lên từ giếng khoan sâu đến 12 mét có màu vàng đục và mùi rất hôi. Mặc dù được xử lý bằng cách cho chảy qua một bể lắng, lọc trước khi đưa vào bể chứa, nhưng nước này vẫn không thể sử dụng để nấu ăn hoặc làm nước uống. Nhiều nhân viên của trạm khi dùng nước này để tắm, giặt đã mắc phải một số bệnh ngoài da.
Không có nước sạch nên suốt một thời gian dài, tất cả nhân viên của trạm thu phí Bàn Thạch mỗi khi làm nhiệm vụ đều phải tự mang theo nước uống. Còn nước dùng để nấu ăn thì Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên phải vận chuyển bằng can từ Tuy Hòa vào hàng ngày. Đến cuối năm 2005, Khu Quản lý đường bộ 5 đã đầu tư gần 49 triệu đồng xây dựng cho trạm thu phí Bàn Thạch một bể chứa nước mưa có dung tích 72m3. Tuy nhiên, thời tiết trong năm 2006 lại rất ít mưa nên tình trạng thiếu nước vẫn tiếp tục diễn ra. Trong tình thế ấy, lãnh đạo trạm đã phải áp dụng biện pháp tiết kiệm nước thông qua quy định tất cả CBCNV của trạm chỉ được sử dụng nước mưa để uống và nấu ăn còn tắm rửa, giặt giũ… vẫn phải sử dụng nước bơm. Thế nhưng, theo Trạm trưởng Bùi Văn Cườm, nước mưa chứa trong hồ cũng không thể bảo đảm hợp vệ sinh, vì mặc dù có nắp đậy nhưng với lưu lượng xe qua lại mỗi ngày rất lớn, trạm lại nằm ở nơi bị gió thổi mạnh nên nước trong hồ vẫn có rất nhiều bụi. Ông Cườm còn cho biết thêm hiện nước trong hồ chỉ còn hơn một nửa, trong khi đó dự báo năm nay sẽ ít mưa và khô hạn kéo dài. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ trạm thu phí Bàn Thạch sẽ tiếp tục thiếu nước sạch.
HOÀI TRUNG