Thời gian qua, các HTX đã nỗ lực tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường như lúa giống, gạo chất lượng cao, rau sạch… Tuy nhiên, do chưa liên kết được với các doanh nghiệp nên việc tiêu thụ các sản phẩm này yếu cả về số lượng lẫn giá trị kinh tế.
TỪ LÚA GIỐNG…
Hiện nhiều HTX kinh doanh lúa giống nhưng chủ yếu ở dạng bán sỉ cho nông dân trong xã nên số lượng tiêu thụ ít. Ông Nguyễn Ngọc Tài, Giám đốc HTX Sản xuất Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), cho biết: “Vụ đông xuân 2013-2014, lúa giống của HTX sau khi phơi sấy, sàng lọc, đóng bao bì, được Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Miền Trung cấp giấy chứng nhận giống cấp nguyên chủng, cho phép tiêu thụ trong và ngoài huyện. Do lúa giống thành phẩm chưa có doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu, còn HTX không có kinh phí để hỗ trợ giá, nên việc bán lúa giống ra thị trường gặp khó. Sản xuất gần 10 tấn lúa giống, HTX chỉ tiêu thụ được 2,8 tấn, chủ yếu là bán lẻ cho bà con trong xã; số còn lại phải nhờ Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên tiêu thụ hộ”.
Một số sản phẩm lúa giống của các HTX được Cục Sở hữu trí tuệ cấp độc quyền cho nhãn hiệu đăng ký và Sở NN-PTNT tỉnh công nhận về quy trình, chất lượng cũng gặp cảnh tương tự. Theo ông Dương Văn Minh, Phó giám đốc HTX Nông nghiệp Kinh doanh tổng hợp (NN KDTH) Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), diện tích sản xuất của HTX là 820ha/vụ, mỗi năm cần trên 230 tấn lúa giống. Với nhu cầu này, HTX NN KDTH Hòa Quang Nam có đủ khả năng duy trì diện tích sản xuất lúa giống trên 10ha, hàng năm đáp ứng 80 tấn lúa giống, cho doanh thu bình quân từ 700 triệu đồng đến 900 triệu đồng/năm. Nhưng thực tế, năm 2013, HTX chỉ tiêu thụ được 28 tấn lúa giống các loại, doanh thu hơn 281 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2014, HTX sản xuất 9,9 tấn lúa giống ML213, chỉ tiêu thụ được 2,4 tấn. Việc tiêu thụ chậm do HTX chưa quảng bá được sản phẩm nên không tìm được đối tác là các doanh nghiệp chuyên thu mua với số lượng lớn.
Không riêng lúa giống mà lúa thương phẩm chất lượng cao của các HTX cũng chưa đủ sức hút với các doanh nghiệp. Ông Trương Văn Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Hàng năm, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện rất nhiều mô hình lúa giống, lúa chất lượng cao tại các HTX; các hộ tham gia đảm bảo đúng yêu cầu về quy trình kỹ thuật nên hạt lúa đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, việc vận động doanh nghiệp thu mua lúa của nông dân gặp nhiều khó khăn nên giá trị kinh tế mang lại chưa cao. Để hoàn thiện khâu cuối cùng là tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm lúa gạo, các ban ngành liên quan cần vào cuộc, tìm giải pháp giúp đỡ HTX.
ĐẾN CÁC CÂY TRỒNG KHÁC
Thời gian qua, nhằm tạo ra giá trị kinh tế cao, các HTX đã phối hợp với các đơn vị triển khai các mô hình chuyển đổi cây trồng từ lúa (một vụ, sản xuất bấp bênh…) sang trồng các cây hoa màu khác như trồng rau theo quy trình VietGAP tại 2 HTX NN KDTH Bình Ngọc và HTX Hòa Kiến 1 (TP Tuy Hòa); trồng nấm linh chi và nấm bào ngư ở HTX NN KDTH Bình Kiến 2 (TP Tuy Hòa); mô hình trồng cây dược liệu diệp hạ châu tại HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ (NN KDDV) Phú Lâm (TP Tuy Hòa) và HTX NN KDDV Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa)… Sản phẩm đã có, song khả năng tiêu thụ thì vẫn chật vật theo kiểu “tự tìm đường”. Điều này là nguyên nhân chính khiến việc nhân rộng mô hình bị hạn chế. Ông Huỳnh Minh Lý, Giám đốc HTX NN KDDV Phú Lâm, cho biết: Năm 2011, 15 hộ thành viên HTX tham gia mô hình trồng cây diệp hạ châu trên diện tích 5ha, cho năng suất đạt 19 tấn/ha, thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Sản phẩm ban đầu được Công ty cổ phần Dược và Vật tư y tế Bình Thuận bao tiêu với giá từ 3.000 đồng/kg đến 4.000 đồng/kg diệp hạ châu tươi. Tuy nhiên, đây không phải là khách hàng ổn định và đơn vị này cũng mua với số lượng ít, nên đến nay, mặc dù triển khai đã 3 năm nhưng diện tích trồng diệp hạ châu của các thành viên HTX vẫn không được nhân rộng; ngược lại, số diện tích cũ thì đang có nguy cơ thu hẹp.
Đối với HTX không liên kết được với các doanh nghiệp, sản phẩm buộc phải “đổ đồng” bán cho thương lái hoặc bán lẻ ngoài chợ. Chị Nguyễn Thị Trà, thành viên HTX Bình Ngọc, chia sẻ: Trồng rau VietGAP đảm bảo tiêu chuẩn khắt khe, nên phải đầu tư kinh phí nhiều hơn trồng rau thông thường. Ban đầu, sản phẩm còn tiêu thụ được trong siêu thị với giá cao; nhưng đến nay, gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trồng rau khác chủ yếu bán cho thương lái với giá như rau bình thường, số còn lại thì mang ra chợ. Hiện HTX không triển khai mô hình VietGAP nữa.
Ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Trên thực tế, mối liên kết giữa doanh nghiệp với các HTX chủ yếu có được khi các đơn vị như Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông… thực hiện dự án tại các HTX. Sau khi dự án kết thúc, không có nhiều doanh nghiệp tiếp tục ký hợp đồng với các HTX. Các HTX không tìm được đầu ra cho sản phẩm nên mô hình cũng không có khả năng nhân rộng. Nguyên nhân chính của tình trạng này là các doanh nghiệp còn thiếu niềm tin vào sản phẩm của các HTX. Bản thân các HTX sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa đủ khả năng đáp ứng lâu dài cho đối tác. Để tìm lời giải cho bài toán này, Liên minh HTX tỉnh trong quá trình kiện toàn, đổi mới hoạt động của các HTX cần chú trọng đến tỉ lệ cung ứng sản phẩm, làm cơ sở để đánh giá chất lượng hoạt động cũng như khả năng hòa nhập thị trường của từng HTX. Từ đó có những kế hoạch phù hợp cho việc liên doanh, liên kết mở rộng thị trường.
MINH DUYÊN