Thứ Hai, 25/11/2024 15:32 CH
Đóng tàu trước khi Nghị định 67 ra đời:
Ngư dân mong muốn được hỗ trợ lãi suất
Thứ Sáu, 19/09/2014 07:32 SA

Ngư dân TP Tuy Hòa đóng tàu lớn để vươn khơi bám biển - Ảnh: L.HẢO

Trước khi Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời, nhiều ngư dân Phú Yên đã mạnh dạn vay vốn đóng tàu lớn để vươn khơi bám biển, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đến nay, khi Nghị định 67 có hiệu lực, những ngư dân có tàu vừa hạ thủy hoặc đang đóng dở dang mong muốn được hỗ trợ lãi suất theo quy định tại nghị định này để yên tâm đánh bắt xa bờ.

 

ĐÓNG TÀU LỚN ĐỂ BÁM BIỂN

 

Đầu tháng 7/2014, gia đình ông Nguyễn Trí Thành ở thôn Giai Sơn, xã An Mỹ (huyện Tuy An) hạ thủy con tàu công suất 430CV, bắt đầu hoạt động đánh bắt xa bờ. Tàu này trị giá 3,3 tỉ đồng; trong đó, vốn vay từ Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh huyện Tuy An là 1,3 tỉ đồng với lãi suất 12%/năm, còn lại là vốn tự có của gia đình. Từ khi hạ thủy đến nay, con tàu đã vươn khơi được 2 chuyến biển, đem lại thu nhập từ 150 triệu đồng đến 160 triệu đồng cho chủ tàu. Ông Nguyễn Trí Thành cho biết, qua hơn 30 năm làm biển, đến nay, ông và những người anh em của ông sở hữu 5 tàu đánh bắt và một số tàu hậu cần. Tất cả đều làm ăn có lãi, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình và những người đi bạn. Nhờ vậy, giữa năm 2014, ông Thành mới mạnh dạn vay vốn đóng tàu vỏ gỗ công suất 430CV để bám biển, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo theo đúng chủ trương của Nhà nước. “Trong quá trình đóng tàu, tôi mới biết đến Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Tôi thấy chính sách này được ban hành kịp thời, có lợi cho bà con ngư dân nên rất phấn khởi. Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là những ngư dân đã mạnh dạn vay vốn đóng tàu lớn, trước cả khi Nghị định 67 ra đời, thì có được Nhà nước hỗ trợ lãi suất hay không?”, ông Thành bộc bạch.

 

Tương tự, ông Phan Thuẩn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 (TP Tuy Hòa) cũng mới hạ thủy tàu PY96572TS công suất 420CV trị giá gần 2 tỉ đồng. Trong đó, ông Thuẩn vay ngân hàng 580 triệu đồng, còn lại là vốn tự có của gia đình. Ông Thuẩn cho biết: “Hiện tôi cần vay thêm khoảng 800 triệu đồng để mua máy mới với công suất 740CV lắp vào tàu PY96572TS. Riêng số tiền đã vay ở Agribank, nếu được Nhà nước hỗ trợ lãi suất và kéo dài thời gian vay như quy định tại Nghị định 67 thì chúng tôi càng yên tâm bám biển”.

 

Theo ông Thuẩn, những năm qua, ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ năm được, năm mất, thu nhập không ổn định, nguồn vốn để tái đầu tư cho nghề gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, bà con vẫn đoàn kết, hỗ trợ nhau đánh bắt thủy sản phát triển kinh tế. Nghị định 67 ra đời, ngư dân càng phấn khởi, nhiều người đã đăng ký vay vốn đóng tàu mới, mở rộng nghề để làm ăn. Bà con còn động viên, giúp đỡ nhau sửa chữa, nâng cấp, đóng tàu mới để bám biển dài ngày, nâng cao hiệu quả đánh bắt. “Nghị định 67 đã có hiệu lực gần 1 tháng. Nếu các cấp chính quyền nhanh chóng vào cuộc thẩm định và xét duyệt cho vay thì chính sách mới sớm đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho ngư dân vì những ngày mở biển đang đến rất gần”, ông Thuẩn nói.

 

Ngư dân có tàu vừa hạ thủy hoặc đang đóng dở dang mong muốn được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 67. Trong ảnh: Tàu PY96572TS của gia đình ông Phan Thuẩn vửa hạ thủy và đang neo đậu tại cảng cá phường 6 - Ảnh: L.HẢO

 

CHỜ VĂN BẢN CHỈ ĐẠO CHÍNH THỨC

 

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Liên quan đến vấn đề ngư dân đóng mới tàu trước khi Nghị định 67 có hiệu lực, tôi đã nêu ý kiến tại hội nghị triển khai chính sách tín dụng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức ngày 24/7. Tại đây, chủ trì hội nghị là Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến trả lời rằng, về nguyên tắc, vấn đề này hoàn toàn bình thường và có thể giải quyết được nhưng ngư dân phải đáp ứng đầy đủ điều kiện, thủ tục như người mới bắt đầu làm hồ sơ vay vốn theo Nghị định 67. Khi tổ thẩm định phê duyệt phương án, ngân hàng mới có thể hỗ trợ lãi suất cho ngư dân. Tuy nhiên, những trường hợp tàu “vỏ mới, máy cũ” thì không được hỗ trợ.

 

Còn Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên Nguyễn Ngọc Khố thì cho hay: Với kiến nghị nói trên của ngư dân, nếu lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có ý kiến, các ngân hàng thương mại sẽ thực hiện ngay khi có văn bản chỉ đạo chính thức. “Liên quan đến vấn đề thẩm định phương án vay của ngư dân, doanh nghiệp, tôi đã yêu cầu các ngân hàng thương mại cử cán bộ có trách nhiệm tham gia vào tổ thẩm định của tỉnh. Trong quá trình xem xét, ngân hàng thấy chưa đạt thì phải nêu ý kiến ngay. Khi UBND tỉnh duyệt thì trách nhiệm của ngân hàng chỉ là giải ngân, tránh tình trạng “tỉnh nói được, ngân hàng bảo không”, ông Khố cho biết thêm.

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek