Một lần đến xứ sở “ôn đới” của Việt Nam suốt bốn mùa mát mẻ, thị trấn Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), tôi được trải nghiệm thêm những điều thú vị.
Ở xứ sở bồng bềnh sương khói này, có cảm giác mọi thứ ở đây từ con người, thiên nhiên đến các sản vật... là để làm du lịch. Ngay cả con gà đồi, heo núi, măng rừng, táo mèo cho đến đọt su su cũng biết làm du lịch. Bởi chính nó là những sản vật rất đặc trưng của Tam Đảo mà mỗi du khách đến đây đều phải một lần thưởng thức và mua về làm quà.
Một số tỉnh miền Bắc hay Lâm Đồng, dây su su được người dân trồng khá phổ biến, lấy đọt của nó làm rau xanh bổ sung cho bữa ăn hàng ngày. Nhưng với su su Tam Đảo, “sứ mệnh” của nó không chỉ vậy, mà còn góp phần làm nên nét đặc trưng cho du lịch ở vùng đất này. Đến Tam Đảo, du khách hầu như luôn chọn hay được người địa phương giới thiệu ăn đọt su su luộc chấm nước mắm. Và hầu như khách du lịch nào trước khi rời Tam Đảo cũng mua một ít đọt su su mang về để ăn cho “đã ghiền” hoặc làm quà.
Đọt su su ở đây có gì lạ vậy, phải chăng nó thực sự ngon hơn, khác biệt hơn su su các địa phương khác? Có phần đúng, nhưng không hoàn toàn. Sự khác biệt được tạo ra ở đây chính là cách làm của người nông dân ở vùng đất du lịch này. Tôi dạo một vòng chợ sớm ở thị trấn Tam Đảo, hầu như ở đây người dân không bán bất lỳ loại rau nào khác ngoài đọt su su! Những bó đọt su su xanh non mơn mởn được xếp thành cụm, cứ thế mà bán cho du khách và các nhà hàng, khách sạn. Chị bán rau vừa là nông dân trồng su su cho biết: Dây su su được trồng thành đám, quy trình chăm bón không hề có phân thuốc hóa học, sự sinh trưởng là tự nhiên, nhờ thổ nhưỡng và khí trời nên rau rất ngon và an toàn. Đọt su su được người dân cắt từ sáng sớm mang ra chợ hoặc bán ở ven đường nội bộ quanh thị trấn (quanh thị trấn này chỉ toàn khách sạn). Một điều đặc biệt nữa là rau su su bày bán ở Tam Đảo được trồng ở chính vùng đồi núi ở đây, tuyệt đối không có sự trà trộn rau vùng khác, thậm chí là khu vực ở ngay dưới chân núi.
Chợt nghĩ đến con sò huyết Ô Loan của chúng ta, cũng là một đặc sản độc đáo. Khách du lịch đến Phú Yên, nhất định thể nào cũng ăn thử một lần cho biết. Gần đây, một số người dân, chủ yếu là các chủ vựa bán hải sản ở khu vực đầm Ô Loan đã nhập sò huyết từ các tỉnh phía Nam về “dán nhãn” sò huyết Ô Loan để bán cho khách vừa chạy hàng vừa được giá. Hy vọng, cơ quan có trách nhiệm cần phải tìm hiểu, chấn chỉnh ngay kẻo một số ít người vì lợi nhuận mà đánh mất thương hiệu, uy tín của một loài đặc sản, hình ảnh du lịch của địa phương.
QUỲNH MAI