Thứ Hai, 25/11/2024 01:51 SA
Công tác giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Nhiều khởi sắc
Thứ Bảy, 13/09/2014 09:47 SA

Cây mía đang mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh: M.DUYÊN

Phú Yên có 31 dân tộc anh em, trong đó có 30 dân tộc thiểu số (DTTS) với 58.656 người, chiếm khoảng 6% dân số toàn tỉnh. Trong 5 năm qua, nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho vùng miền núi nên công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS ở Phú Yên đạt nhiều kết quả khả quan.

 

GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

 

Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm ở khu vực miền núi đạt 12,8%. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực miền núi từ 11 đến 13 triệu đồng/người/năm; riêng đồng bào DTTS đạt từ 6 đến 8 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ hộ nghèo vùng miền núi giảm bình quân mỗi năm từ 3 đến 5% (riêng vùng đồng bào DTTS giảm từ 4 đến 5%).

Toàn tỉnh có 2 huyện nghèo là Sông Hinh, Đồng Xuân và 19 xã, 108 thôn, buôn thuộc diện đặc biệt khó khăn với 7.156 hộ nghèo. Trong 5 năm qua, các hộ nghèo được hỗ trợ trực tiếp về tiền mặt, phương tiện phục vụ sản xuất và nhà ở; vùng miền núi khó khăn được quan tâm xây dựng hạ tầng kỹ thuật điện, đường, công trình nước… Theo đó, đến nay 250.000 lượt người dân là hộ nghèo vùng khó khăn được Nhà nước hỗ trợ trực tiếp với tổng kinh phí 22 tỉ đồng. Hơn 1.200 lượt hộ nghèo được hỗ trợ nông cụ sản xuất bằng máy móc, phân bón, giống cây trồng, gia súc… với tổng số tiền hơn 17,5 tỉ đồng từ nguồn vốn phát triển sản xuất vùng dân tộc, miền núi (thuộc Chương tình 135). 9 dự án định canh định cư hoàn thành giúp ổn định nơi ở mới cho 700 hộ đồng bào và 50 giếng nước, công trình nước tập trung được xây mới đã giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho trên 2.200 hộ…

 

Tuy nhiên, để giảm nghèo bền vững, bên cạnh việc hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất, quan trọng nhất vẫn là tạo điều kiện cho đồng bào tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, làm cơ sở vươn lên thoát nghèo. Thông qua trình diễn các mô hình, các huyện miền núi đã nhân rộng diện tích lúa nước, ứng dụng cơ giới hóa và đưa cây lúa lai vào đồng ruộng, giúp tăng năng suất cây trồng, từng bước cải thiện đời sống vùng miền núi. Sông Hinh là một trong ba huyện miền núi thành công trong việc thay đổi tập quán canh tác từ lúa hưởng nước trời sang cây lúa nước và sử dụng các giống lúa lai. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết: Nếu năm 2008, diện tích lúa nước của huyện là 1.100ha, thì đến nay diện tích cây lúa nước tăng lên 1.650ha. Cây lúa nước cho năng suất ổn định 50 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa rẫy 4 lần. Để tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng hạt lúa, huyện Sông Hinh đã đưa giống lúa lai vào sản xuất. Vụ đông xuân 2013-2014, năng suất lúa lai đạt 70 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay. Hiện diện tích lúa lai chiếm 7% diện tích trồng lúa và tiếp tục được khuyến khích nhân rộng.

 

PHÁT TRIỂN KINH TẾ

 

Nếu sản xuất nông nghiệp mang lại cuộc sống ổn định thì cây công nghiệp, lâm nghiệp mở ra hướng làm giàu cho bà con vùng miền núi. Trong 4 năm qua (2010-2013), diện tích các loại cây trồng chủ yếu như sắn, mía, cao su của 3 huyện miền núi đều tăng khá. Cụ thể, diện tích sắn 18.016ha, mía 19.466ha, cao su khoảng 4.000ha. Phát huy thế mạnh này, các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất cây nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến như Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa, Nhà máy đường KCP Đồng Xuân và Sơn Hòa, Công ty Tinh bột sắn Sông Hinh (FOCOCEV), Nhà máy tinh bột sắn Đồng Xuân… Ông Kpă Y Quyên, Phó phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa cho biết: Diện tích trồng mía ở huyện Sơn Hòa là 11.805ha, tăng gần 42% so với năm 2009, cho năng suất bình quân hơn 68 tấn/ha, cao hơn 18 tấn/ha so với năm 2009. Có được kết quả này là nhờ bà con được tập huấn tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc mía, đưa các giống mới cho năng suất cao, chịu sâu bệnh vào sản xuất; được bao tiêu sản phẩm, được hỗ trợ phân thuốc… Hàng năm, cây mía mang lại doanh thu trên 700 tỉ đồng cho nông dân Sơn Hòa.

 

Có đất, có vốn, nhiều hộ đồng bào DTTS đã hình thành mô hình kinh tế trang trại cho thu nhập cao. Hiện vùng miền núi của tỉnh có 58 trang trại, tăng 57% so với năm 2011. Mô hình VAC mang lại thu nhập từ 40 triệu đồng/năm đến 200 triệu đồng/năm cho đồng bào DTTS. Ngoài ra, bà con còn trồng rừng theo quy hoạch để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, mang lại nguồn thu nhập ổn định, cải thiện kinh tế gia đình. Việc thu hoạch sản vật rừng, khai thác cây gỗ đủ tuổi đã mang lại thu nhập từ 10 triệu đồng/năm đến hàng trăm triệu đồng/năm cho đồng bào DTTS.

 

Ông Phan Hữu Đại, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Thời gian tới, đời sống đồng bào DTTS tiếp tục được nâng lên khi cùng với các xã trong tỉnh hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đối với 2 huyện nghèo Đồng Xuân, Sông Hinh, đề án Phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững tại 2 huyện giai đoạn 2013-2017 đã được tỉnh phê duyệt và các bộ, ngành Trung ương thẩm định với tổng vốn đầu tư là 317,8 tỉ đồng. Trong đó, huyện Đồng Xuân 145,7 tỉ đồng, huyện Sông Hinh 172,1 tỉ đồng. Trong năm 2014, 2 huyện được Trung ương tạm ứng 36 tỉ đồng, đầu tư cho 11 danh mục dự án. Hiện UBND 2 huyện đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất... giúp nâng cao đời sống đồng bào DTTS.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek