Trong 2 ngày 27 và 28/8, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8/2014, thảo luận các giải pháp nhằm đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra cho năm 2014, tạo tiền đề, nền tảng cho phát triển và tăng trưởng cao hơn trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
Kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực
Đề cập tới việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm, các thành viên Chính phủ đều nhận định kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2014 phát ra tín hiệu đáng mừng, hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế đều có sự tăng trưởng; nền tảng kinh tế vĩ mô ngày một ổn định vững chắc; tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; lĩnh vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng khá cao; giá cả, thị trường ổn định; xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng và có xuất siêu; tiến trình tái cơ cấu kinh tế bước đầu đạt kết quả tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo.... Những kết quả đạt được là nền tảng cho việc thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu được đề ra cho năm 2014.
Tuy nhiên, ý kiến của một số thành viên Chính phủ cũng cho rằng để đạt được các chỉ tiêu chủ yếu đã được đề ra, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 5,8% cần phải có sự nỗ lực quyết liệt hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo, triển khai rà soát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng trong các khu vực; thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế; trong thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội…
Theo các thành viên Chính phủ, trên cơ sở những kết quả đạt được của năm 2014, đặc biệt là tăng trưởng GDP dự kiến đạt 5,8%, việc đề xuất chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6-6,2% cho năm 2015 là hợp lý. Các thành viên Chính phủ nhấn mạnh để đạt được con số tăng trưởng này, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra cần hết sức quan tâm đến tăng tổng cầu của nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ở cả trong và ngoài nước; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...
Các thành viên Chính phủ đề xuất, trong xây kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2015, cần đặc biệt quan tâm đến các định hướng, giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế với trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, nông nghiệp; các giải pháp thúc đẩy đầu tư, sản xuất các sản phẩm công nghiệp có lợi thế so sánh; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng nền nông nghiệp có ứng dụng mạnh khoa học - kỹ thuật, tạo giá trị gia tăng cao, phát triển theo hướng bền vững; thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; các giải pháp thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài…
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế của nền kinh tế mà các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm khắc phục, trong đó nổi lên các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn vay phục vụ sản xuất, kinh doanh; tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả còn diễn biến phức tạp; một số chủ trương, cơ chế, chính sách chậm đi vào cuộc sống...
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần tăng cường hơn nữa việc quản lý thu chi ngân sách, chống thất thoát, lãng phí; tập trung mạnh vào thực hiện các giải pháp phòng chống gian lận thương mại, chuyển giá; quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu doanh nghiệp, nhất là thoái vốn đầu tư ở những ngành, lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ; tăng chi cho củng cố quốc phòng, an ninh...
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý cùng với sự nỗ lực cao nhất nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, những tháng cuối năm 2014, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong xử lý nợ xấu, tăng dư nợ tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị tiếp tục rà soát, tính toán về chỉ tiêu giảm nghèo; trên cơ sở những kết quả khá tốt đạt được trong công tác giảm nghèo trong năm 2014, nên đề ra chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,5-2% để phấn đấu thay vì đề xuất tỉ lệ này của Bộ KH-ĐT tư là từ 1,5-1,7%.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ KH-ĐT tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, tiếp tục tính toán, đề xuất dự kiến các chỉ tiêu kinh tế- xã hội của chủ yếu của năm 2015 nhất là chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng theo sát thực tế và diễn biến tình hình.
Tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề xuất các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là ở cấp cơ sở; hạn chế tình trạng khiếu nại tố cáo vượt cấp lên Trung ương.
Nỗ lực cao nhất để hoàn thành các mục tiêu năm 2014
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, toàn dân, trong 8 tháng đầu năm 2014, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực, đồng đều trên các mặt. Kết quả đạt được là khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; nền tảng kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định vững chắc hơn; tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp... "Nếu chúng ta tiếp tục nỗ lực, không chủ quan trong thực hiện các giải pháp đã đề ra thì khả năng đạt được các chỉ tiêu đề ra cho năm 2014 là khả thi, tăng trưởng GDP 5,8% là đạt được”, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo trong 4 tháng còn lại của năm 2014, tinh thần chung là phải kiên định mục tiêu tổng quát, phải nỗ lực cao nhất để thực hiện đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra cho năm 2014, tạo tiền đề, nền tảng cho phát triển và tăng trưởng cao hơn trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
Đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng trong cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP cả năm là 5,8%. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả các giải pháp tăng tổng cầu của nền kinh tế, trong đó chú ý vào việc tăng dư nợ tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, giải quyết nợ xấu; thúc đẩy giải ngân đầu tư.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương cần quyết liệt thực hiện tái cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung mạnh vào tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng thương mại và tái cơ cấu nông nghiệp. Trong tái cơ cấu đầu tư công, cần tiếp tục thúc đẩy để đầu tư công thực sự hiệu quả, khắc phục dàn trải, chống thất thoát, lãng phí; về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, phải triển khai quyết liệt, khẩn trương song phải chặt chẽ, không chỉ đẩy mạnh cổ phần hóa mà phải quan tâm nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; trong tái cơ cấu ngân hàng thương mại, phải triển khai với tinh thần dứt khoát, dứt điểm trong tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém gắn với giải quyết nợ xấu.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp để tạo cơ chế, chính sách thông thoáng, thuận lợi theo cơ chế kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, trong đó đặc biệt quan tâm tới cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động chỉ đạo thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính của từng ngành, lĩnh vực; tập trung nghiên cứu, rà soát, khẩn trương sửa đổi, loại bỏ các văn bản, quy định bất hợp lý, gây vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đồng thời lưu ý tiến hành tổng kết, đánh giá, loại bỏ các quy hoạch không phù hợp, không khả thi.
Về lĩnh vực xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đảm bảo an sinh xã hội; giảm quá tải bệnh viện; triển khai có hiệu quả các chương trình tạo việc làm, giảm nghèo bền vững nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ đồng bào trồng và giữ rừng, tạo thu nhập ổn định từ rừng cho đồng bào; đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giáo dục - đào tạo, văn hóa, xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái;...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, tật tự an toàn xã hội; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế... góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia và nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng mục tiêu tổng quát là phải tiếp tục bảo đảm ổn định vĩ mô; tăng trưởng phải cao hơn; gắn tái cơ cấu kinh tế với chuyển đổi mô hình tăng tưởng, thực hiện các khâu đột phá chiến lược; bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Đối với các chỉ tiêu cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tính toán kỹ, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt ở mức khoảng 6,2%; lạm phát tương đương năm 2014 (khoảng 5%); bội chi khoảng 5%; tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 1,7-2%.
Theo TTXVN, Vietnam+