Chính phủ vừa ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản; trong đó có nhiều ưu đãi cho ngư dân, doanh nghiệp vay vốn cải hoán, đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần. Ngay sau khi nghị định này được ban hành, các ngân hàng thương mại ở Phú Yên đã sẵn sàng triển khai cho vay.
ĐƯỢC VAY TỐI ĐA 95% GIÁ TRỊ TÀU
Theo Nghị định 67, ngư dân, doanh nghiệp được vay của ngân hàng tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên. Lãi suất vay là 7%/năm; trong đó, chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách cấp bù 6%/năm. Đối với tàu dịch vụ hậu cầu vỏ gỗ, chủ tàu được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm; trong đó, chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách cấp bù 4%/năm. Đối với tàu đánh bắt hải sản xa bờ vỏ gỗ hoặc thép đóng mới, chủ tàu được vay tối đa từ 70% đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm; trong đó, chủ tàu trả từ 1 đến 3%/năm, ngân sách cấp bù từ 4 đến 6%/năm. Khi nâng cấp tàu vỏ gỗ công suất dưới 400CV thành tàu có công suất từ 400CV trở lên, chủ tàu được vay tối đa 70% giá trị nâng cấp tàu với lãi suất 7%/năm; trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách cấp bù 4%/năm.
Cũng theo Nghị định 67, thời hạn cho vay sẽ kéo dài trong 11 năm, lãi suất được duy trì ổn định 7%/năm, năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc. Chủ tàu còn được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay để đảm bảo cho khoản vay. Trong trường hợp chủ tàu gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, tùy từng trường hợp, chủ tàu được ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và được xử lý theo hợp đồng bảo hiểm. Ngoài ra, các chủ tàu khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính, phương án sản xuất kinh doanh cụ thể sẽ được vay tối đa 70% giá trị cung cấp dịch vụ hậu cần đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản, tối đa 70% chi phí cho một chuyến đi biển đối với tàu khai thác hải sản, lãi suất cho vay 7%/năm.
Nghị định này được ngư dân hồ hởi đón nhận. Ai cũng vui vì sắp tới “bài toán” tìm vốn để đóng tàu lớn vươn ra khơi xa hơn nữa đã có lời giải. Ông Đặng Nhu, ngư dân ở phường 6 (TP Tuy Hòa), chia sẻ: Đây là chính sách cho vay thông thoáng, mang lại nhiều lợi ích cho ngư dân khi muốn vay vốn đóng tàu. Không những hạn mức vay cao, lãi suất thấp, được dùng tàu đóng mới làm tài sản thế chấp, ngư dân còn có thể phân kỳ trả gốc, lãi trong một thời gian dài. Đặc biệt, ngư dân sẽ có thời gian để đóng tàu mà không phải lo trả gốc, lãi trong năm đầu tiên vì đã được ân hạn trả nợ.
Sơ chế cá ngừ tại một điểm thu mua ở TP Tuy Hòa - Ảnh: M.NGUYỆT |
THỦ TỤC ĐƠN GIẢN
Sau khi Nghị định 67 được ban hành, một số ngân hàng thương mại ở Phú Yên đã vào cuộc, chuẩn bị những bước đầu tiên để triển khai cho vay. Ông Lê Minh Phương, Phó giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Phú Yên cho biết, vừa qua, ngân hàng đã chủ động tiếp cận, khảo sát, đánh giá nhu cầu vốn của ngư dân và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh. Thông qua chuyến tham quan Nhà máy đóng tàu Nha Trang (thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) và Trường đại học Nha Trang (Khánh Hòa), ngư dân, doanh nghiệp được quan sát thực tế tàu cá vỏ thép mẫu, được tiếp cận với một số phương tiện đánh bắt hiện đại và có cơ hội trao đổi với các chuyên gia về những vấn đề liên quan đến tàu cá vỏ thép. Sau chuyến đi, nhiều ngư dân, doanh nghiệp có phản hồi rất tích cực. Đây sẽ là cơ sở để BIDV Phú Yên chuẩn bị triển khai chương trình tín dụng hỗ trợ đánh bắt hải sản xa bờ trên địa bàn tỉnh. Theo ông Phương, thực hiện các quy định của Nghị định 67, chủ tàu không những ưu đãi về lãi suất, hạn mức vay cao, thời hạn vay kéo dài mà thủ tục vay vốn còn rất đơn giản, ngắn gọn. Kể từ khi nhận đủ hồ sơ vay vốn, BIDV Phú Yên sẽ xử lý cho vay trong thời gian sớm nhất để ngư dân, doanh nghiệp có điều kiện đóng tàu, vươn khơi.
Còn theo Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh Phú Yên Trần Minh Mẫn, từ trước đến nay, ngân hàng đã giải ngân cho hàng trăm ngư dân vay để cải hoán, đóng mới tàu cá. Agribank Phú Yên cũng tạo điều kiện cho ngư dân dùng chính tàu của mình để thế chấp vay vốn đến 70% giá trị tàu. Vì vậy, khi Chính phủ ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có nhiều ưu đãi về mặt tín dụng, Agribank Phú Yên sẵn sàng thực hiện. Ông Mẫn cho biết thêm, lâu nay, hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì thời tiết, an ninh, thị trường, ngư trường… không ổn định, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng trả nợ của ngư dân. Nghị định 67 ngoài ưu đãi về tín dụng còn có chính sách về bảo hiểm, thuế và một số chính sách hỗ trợ khắc phục rủi ro khác sẽ giúp ngân hàng yên tâm hơn khi đầu tư vốn cho ngư dân.
PHỐI HỢP ĐỒNG BỘ
Nghị định 67 ra đời có sức động viên to lớn đối với ngư dân trong việc tiếp tục vươn khơi, bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan.
Ông Nguyễn Văn Hàn, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho biết: Cách đây gần 20 năm, Chính phủ đã từng chỉ định BIDV cùng Tổng cục Đầu tư phát triển triển khai cho vay chương trình đánh bắt xa bờ theo Quyết định 393/QĐ-CP. Tuy nhiên, vì cơ chế cho vay lúc bấy giờ còn nhiều bất cập nên việc thu hồi vốn gặp khó khăn, vướng mắc. Rút kinh nghiệm, lần này, trong Nghị định 67, Chính phủ đã xác định thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi theo nguyên tắc cho vay vốn có hoàn trả. Theo đó, các ngân hàng thương mại hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn khách hàng có năng lực tài chính, khả năng quản lý vốn tốt để xem xét, quyết định cho vay. Ngân hàng cũng phối hợp cùng các ngành chức năng hỗ trợ đồng bộ và toàn diện cho ngư dân, doanh nghiệp để phát triển kinh tế biển trên các lĩnh vực khai thác, phát triển dịch vụ, đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở, tổ chức lại hoạt động khai thác, cung cấp dịch vụ; đảm bảo sản xuất hiệu quả, có khả năng thu hồi vốn khi đến hạn.
Theo ông Hàn, khi đã bỏ tiền đóng tàu lớn, hiện đại, ngư dân cũng cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm ăn, nhất là phải có ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng vốn và trả nợ vay cho ngân hàng. Khi đăng ký đóng tàu, ngư dân cần được tham gia vào quá trình thiết kế tàu để phù hợp với mục đích, tập quán và ngành nghề khai thác hải sản từng vùng, đồng thời phát huy hết ưu điểm của những con tàu công suất lớn. Ngoài ra, các cấp, ngành cũng cần phối hợp đồng bộ trong việc đào tạo, huấn luyện, trang bị cho ngư dân kiến thức để làm chủ trang thiết bị hiện đại; tổ chức lại hoạt động sản xuất, tăng cường công tác điều tra, dự báo ngư trường để giúp ngư dân nâng cao hiệu quả đánh bắt, giảm bớt rủi ro trên mỗi chuyến biển.
Ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Phú Yên thì cho hay: Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản là một chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước ta. Những giải pháp hỗ trợ về mặt tín dụng sẽ giúp ngư dân mạnh dạn vay vốn đóng tàu công suất lớn, đầu tư các trang thiết bị hiện đại để vươn khơi xa, góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh chủ quyền biển đảo... Để ngư dân yên tâm bám biển, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy nhanh việc xây dựng mô hình liên kết hoạt động theo chuỗi: cơ sở đóng tàu - cung cấp hậu cần - chủ tàu - đơn vị tiêu thụ, hỗ trợ công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch... Lúc này, ngân hàng sẽ tham gia đầu tư vốn vào mắt xích quan trọng, có thể lan tỏa giá trị trong chuỗi để mang lại hiệu quả cao nhất.
Ông Trần Minh Mẫn đề xuất: Trong thời điểm khó khăn, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ giá nhiên liệu, tiền mua bảo hiểm vật chất thân tàu và các bảos hiểm thuyền viên cho ngư dân khi ra khơi đánh bắt. Các hội, đoàn thể và cơ quan ban ngành liên quan cần động viên ngư dân thành lập tổ, hội nghề cá để hỗ trợ nhau trong việc đánh bắt cũng như giải quyết các rủi ro trong lúc hành nghề. Địa phương cũng cần có chính sách bao tiêu sản phẩm đánh bắt cho ngư dân, tránh trường hợp các thương lái ép giá.
LÊ HẢO