Thời gian gần đây, hình thức bán hàng trực tuyến, bán hàng qua các kênh truyền hình phát triển mạnh. Bên cạnh những thuận lợi do công nghệ số mang lại, hình thức kinh doanh này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu người tiêu dùng (NTD) không cẩn trọng kiểm tra thông tin trước khi mua hàng.
QUẢNG CÁO RẦM RỘ, CHẤT LƯỢNG … “HÊN XUI”
Hiện hầu như bất cứ kênh truyền hình nào cũng có các chương trình quảng cáo, bán hàng trực tuyến với số lượng và thời lượng phát sóng khá lớn. Hàng hóa quảng cáo qua các kênh truyền hình rất đa dạng, từ hàng mỹ phẩm, đồ dùng gia đình đến hàng thời trang, điện, điện tử, công nghệ thông tin, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp… Các sản phẩm trên các kênh này đều được quảng cáo với nhiều tính năng vượt trội, giá cả hợp lý, nhiều chương trình giảm giá sốc, khuyến mãi lớn để thu hút NTD. Thêm vào đó là các hình ảnh minh họa về công dụng và sự tiện lợi của sản phẩm khiến nhiều NTD choáng ngợp và rất dễ bị thu hút. Do vậy, nhiều NTD đã tin và không ngần ngại đặt mua hàng mà không cần kiểm tra, xác minh về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Thế nhưng, không phải ai cũng hài lòng với sản phẩm mua qua các kênh bán hàng trực tuyến.
Chị Ngô Thị Thanh Bích, nhân viên văn phòng ở TP Tuy Hòa chia sẻ: Trong thời gian nghỉ sinh, suốt ngày xem ti vi, thấy các kênh truyền hình đều quảng cáo sản phẩm tập thể dục giúp giảm mỡ bụng, tôi đặt mua 1 máy về tập với hy vọng sớm lấy lại vóc dáng thon, gọn sau sinh. Tuy nhiên, khi mua hàng về thì không thể tập được, tôi có biểu hiện đau đầu, chóng mặt khi tập. Thấy không an toàn nên tôi đành xếp máy vào góc nhà. Cùng mua sản phẩm này, bà Lê Thị Ngọc Oanh ở phường 7 (TP Tuy Hòa) cũng rất bức xúc. Theo bà Oanh, bà đặt mua một máy tập thể dục Elip 2015 của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trường Việt qua kênh Siêu thị tại gia. Theo chính sách khuyến mãi, công ty đem máy tới tận nhà, kèm theo 1 đĩa CD hướng dẫn tập thể dục và một số sản phẩm khuyến mãi khác. Tuy nhiên, khi nhận máy, bà Oanh không nhận được đĩa CD và các sản phẩm khác kèm theo. Quá bức xúc, bà Oanh gửi đơn khiếu nại lên Hội Bảo vệ quyền lợi NTD Phú Yên xin được tư vấn, can thiệp mới được đơn vị bán hàng giải quyết thỏa đáng.
NÊN THẬN TRỌNG
Theo ông Đoàn Quang Đông, chuyên viên Phòng Bảo vệ quyền lợi NTD, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), thời gian gần đây, cục liên tục nhận được phản ánh của NTD khi mua hàng qua các kênh truyền hình, mua hàng qua mạng. Các phản ánh tập trung ở một số nội dung như bán hàng không đúng như quảng cáo, hàng kém chất lượng; không bảo hành như cam kết; đẩy giá lên cao rồi khuyến mãi “khủng” nhưng giá vẫn cao hơn thực tế… Vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh đã xử lý, buộc một số đơn vị kinh doanh trực tuyến đổi trả hàng, bồi thường cho khách hàng đối với những sản phẩm lỗi, đã bảo hành nhiều lần nhưng không sử dụng được.
Bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD Phú Yên khuyến cáo, khi mua hàng trực tuyến, NTD nên lựa chọn các kênh truyền hình uy tín. Trước khi mua hàng qua các kênh trực tuyến, NTD nên kiểm tra lại thông tin về hàng hóa (chất lượng, chức năng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm…), thông tin doanh nghiệp và các chính sách bán hàng. NTD cũng nên kiểm tra kỹ thông tin về người bán hàng hay yêu cầu được đến trực tiếp cửa hàng để xem sản phẩm... “Khi NTD mua hàng hóa có giá trị cao, thông qua hình thức trực tuyến thì nên làm hợp đồng mua bán với các điều khoản cụ thể, như: việc trả tiền, hoàn tiền khi sản phẩm bị lỗi, chế độ khuyến mãi, hậu mãi, chăm sóc khách hàng, bảo hành sản phẩm... Trường hợp mua bán hàng qua điện thoại thì NTD có thể ghi âm lại nội dung trao đổi, để giải quyết tranh chấp (nếu có) khi xảy ra”, bà Hòa nói.
XUÂN NGÔ