Sau một thời gian nhiều người đổ xô vào các khu rừng ở huyện Sông Hinh, Đồng Xuân cưa hạ cây ươi để hái trái và đã có người chết do bị cây đè, lực lượng chức năng của tỉnh đã vào cuộc ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm, đến nay tình trạng này đã giảm hẳn.
Trung tuần tháng 7/2014, trong chuyến hành trình theo trục giao thông phía Tây Phú Yên, từ xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) đến xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh), dọc hai bên đường, chúng tôi thấy sân vườn nhà người dân trống trải, một vài nhà thì đang phơi hạt tiêu. Còn chuyến đi trước, chúng tôi bắt gặp người dân sống hai bên trục đường này phơi ươi như phơi lúa. Ông Trần Văn Trung ở xã Sông Hinh đang chăm sóc cây tiêu cho hay: “Mấy ngày nay, tôi không thấy người vào rừng hái ươi nữa”.
Chúng tôi đã “mục sở thị” tại khu rừng già thuộc khu vực giáp ranh giữa xã Sông Hinh và huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) để tìm hiểu về nạn chặt hạ cây ươi. Lúc trước, nơi đây rền vang tiếng máy cưa cắt đứt cây ươi…, giờ khu rừng này đã trở lại yên bình. Ông Lê Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Sông Hinh cho biết: Xã thành lập 3 tổ, gồm 15 người. Một tổ chốt chặn trên trục đường ngăn chặn không cho người ra vào rừng mang theo cưa máy, còn 2 tổ chia ra lên rừng kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cưa hạ cây ươi trái phép. Đồng thời, xã cũng tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân địa phương không được chặt hạ cây ươi để thu hái trái. Đến nay không có người vào rừng nữa.
Đến xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), chúng tôi cũng không còn thấy bóng dáng “đầu nậu” (người mua ươi) rảo quanh các nhà hỏi mua trái ươi như trước. Chị Hờ Hay ở xã Ea Ly cho hay: “Hiện nay không có ai đi hái ươi nữa, có chăng một vài chị em đi nhặt “ươi bay” (ươi khô tự nhiên) theo cách truyền thống”.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh cho biết: “Hạt đã tiến hành làm việc với UBND xã Ea Trol, Sông Hinh và Ea Ly, ký cam kết tổng kiểm tra truy quét việc khai thác, mua bán, cất giữ và vận chuyển trái phép trái ươi. Theo đó, Hạt kiểm lâm và địa phương triển khai lực lượng phối hợp với chủ rừng tổ chức kiểm tra, ngăn chặn không cho người dân mang dụng cụ vào rừng cưa cây ươi và các đầu nậu mua trái ươi. Sau một thời gian ngắn triển khai quyết liệt, đến nay không còn người vào rừng hái ươi trái phép như trước”.
Còn ông N.V.Đ ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), một người chuyên hái ươi giãi bày: “Cách đây 2 tuần, tôi và nhiều người trong xóm đi hái ươi ở rừng Hòn Cùng, Suối Tiên. Đến chỗ cây ươi mạnh ai nấy xí phần, nấy cưa. Cây mình cưa chưa ngã, cây người khác cưa gần đó ngã kéo theo cành nhánh cây rừng đứng xung quanh ập xuống rất nguy hiểm. Kiểm lâm bắt giữ trái ươi khiến không có ai mua ươi nên tôi nghỉ, quay lại với nghề thợ hồ”.
Theo ông Vũ Công Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân: Thời gian qua, Hạt kiểm lâm huyện tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương truy quét, chốt chặn tại các cửa rừng tuyên truyền người dân không vào rừng chặt phá cây ươi, đồng thời ngăn chặn, thu giữ, xử lý các đối tượng mua bán trái ươi trái phép để bảo vệ rừng.
Theo Sở NN-PTNT, cây ươi là cây rừng có giá trị kinh tế, trái ươi có công dụng làm thảo dược, pha chế nước giải khát rất được thị trường ưa chuộng. Trên địa bàn tỉnh, cây ươi phân bố chủ yếu ở các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân... Việc thu hái trái của loài cây này đã mang lại cho người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thu nhập cao, giúp cải thiện đời sống. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng người dân vào rừng khai thác trái ươi chưa được quản lý chặt chẽ; phương thức khai thác phổ biến là chặt hạ cây ươi còn sống để lấy quả, nguy cơ gây hủy diệt và thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng.
MẠNH HOÀI NAM