Thời gian gần đây, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường. Tuy nhiên vẫn còn nhiều sản phẩm kém chất lượng có mặt trên thị trường, nhiều cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cần công bố công khai kết quả kiểm tra, các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh, các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Mới đây, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT) đã kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, thức ăn, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Đông Hòa, TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa. Qua kiểm tra 14 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, có 4 cơ sở tạm ngừng hoạt động, 8 cơ sở được xếp loại A, 2 cơ sở xếp loại B; đối với 5 cơ sở kinh doanh thức ăn dùng trong nuôi trồng thủy sản đều xếp loại A; 4 cơ sở kinh doanh chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản, có 3 cơ sở xếp loại A và 1 cơ sở xếp loại B. Ông Nguyễn Duyên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cho biết: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản qua kiểm tra đều có ý thức chấp hành, thực hiện nghiêm quy định về điều kiện sản xuất giống, nuôi tôm thẻ chân trắng, quản lý giống thủy sản. Đa số các cơ sở này mới bước đầu làm quen với phương thức sản xuất lớn, công nghiệp nên còn thiếu sót trong công tác thiết lập, lưu trữ hồ sơ theo dõi sản xuất. Các trại giống đã chủ động nhập tôm bố mẹ có nguồn gốc từ Hawaii và chấp hành quy định về thời gian sử dụng tôm thẻ chân trắng làm tôm bố mẹ không quá 4 tháng kể từ ngày nhập về cơ sở. Tuy nhiên, các cơ sở còn lúng túng trong việc tiêu hủy đàn tôm bố mẹ theo quy định chung, đoàn kiểm tra đã hướng dẫn biện pháp xử lý, công tác tiêu hủy đàn tôm bố mẹ. Đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản, đa số chưa thực hiện đầy đủ về thiết lập, lưu trữ hồ sơ theo dõi kinh doanh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Để đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hân, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, đề xuất: “Ngoài công tác phổ biến, tuyên truyền, cần tăng cường công tác kiểm tra theo từng lĩnh vực chuyên ngành quản lý, trong đó đặc biệt chú ý đến các cơ sở có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm và những sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Phát hiện kịp thời những sản phẩm, những cơ sở vi phạm và đưa thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho người dân biết”.
Ông Nguyễn Duyên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cho biết: “Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, thức ăn, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản cần được tập huấn thường xuyên, đồng thời chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật từ khâu sản xuất giống đến nuôi trồng. Tăng cường phổ biến các quy định của pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, người nuôi không nên sử dụng giống thủy sản nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Về quản lý nhà nước, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng giống thủy sản, thức ăn, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, công bố công khai kết quả kiểm tra, đánh giá phân loại trên các phương tiện thông tin đại chúng”.
ANH NGỌC