Từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP), thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã có nhiều công trình được đầu tư xây dựng góp phần nâng cao cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
HIỆU QUẢ TÍCH CỰC
Trong những năm qua từ nguồn hỗ trợ ngân sách trung ương, đặc biệt là nguồn vốn TPCP, tỉnh Phú Yên đã có điều kiện xây dựng được nhiều công trình quan trọng, cấp bách, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân, giúp bà con ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Tính từ năm 2006 đến nay, từ nguồn vốn TPCP, tỉnh đã lập dự án đầu tư xây dựng 39 dự án và 1 đề án với tổng kinh phí hơn 11.767 tỉ đồng. Trong đó, lĩnh vực giao thông gồm 13 dự án; thủy lợi 12 dự án; y tế 14 dự án và 1 đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên. Đến nay, nhiều tuyến giao thông quan trọng được xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả, bà con nhân dân ở các vùng dự án được hưởng lợi.
Ông Phạm Đình Vũ, Trưởng thôn Tân Long, xã An Cư (Tuy An) cho biết: Từ ngày cầu Long Phú (dự án đầu tư từ nguồn vốn TPCP) được xây dựng kiên cố, đảm bảo việc đi lại thông suốt, không còn bị lũ lụt chia cắt như trước, bà con rất phấn khởi. Còn theo Sở GTVT, dự án Trục giao thông phía tây tỉnh có tổng mức đầu tư hơn 609 tỉ đồng từ nguồn vốn TPCP, được khởi công xây dựng từ năm 2005, trên cơ sở nâng cấp các tuyến đường tỉnh 641, 642, 643, 645, 646 và 649 với quy mô mặt đường bằng bê tông nhựa rộng 5,5m, tổng chiều dài hơn 115km đi qua 15 xã của 3 huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân. Đến tháng 8/2012, dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần tạo động lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, cải thiện điều kiện sống cho hàng ngàn hộ dân sống dọc tuyến giao thông này. Anh Y Nhiên ở xã Sơn Định (Sơn Hòa) cho hay: “Từ ngày tuyến giao thông này được xây dựng, bà con đi lại rất thuận tiện; đặc biệt việc vận chuyển nông sản vô cùng thuận lợi, nhờ vậy thu nhập của bà con khá hơn hẳn”.
Ngoài ra, từ nguồn vốn TPCP, thời gian qua tỉnh đã xây dựng, cải tạo được nhiều bệnh viện, phòng khám đa khoa tuyến huyện, tỉnh như: bệnh viện đa khoa các huyện Sơn Hòa, Phú Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh, Sông Cầu, Tây Hòa, Tuy An và Bệnh viện Đa khoa tỉnh… đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, giảm đáng kể áp lực cho bệnh viện tuyến trên. Nhiều tuyến kè sông, kè biển được đầu tư góp phần hạn chế tình trạng xâm thực, xói lở đất, giúp cuộc sống của người dân các vùng dự án được ổn định. Một số hồ thủy lợi cũng đã đưa vào vận hành, mở ra nhiều diện tích canh tác lúa, nông sản đạt hiệu quả cao. Ông Phạm Đình Trí, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc (Đồng Xuân), địa phương có nhiều diện tích lúa được tưới từ hồ chứa nước Kỳ Châu, công trình đầu tư từ vốn TPCP, cho biết: Năm 2013, khi hồ chứa này được xây dựng hoàn thành, đưa vào tích nước phục vụ sản xuất, địa phương đã có hơn 100ha lúa được hưởng nguồn nước trực tiếp từ hồ, giúp bà con canh tác được 2 vụ lúa/năm thay vì 1 vụ lúa rẫy như trước đây.
CẦN TIẾP TỤC ĐẦU TƯ
Theo Sở KH-ĐT, hiện toàn tỉnh hoàn thành được 10/13 dự án giao thông; các dự án đường cứu hộ cứu nạn Tuy An - Sơn Hòa, tránh trú bão Sông Cầu - Đồng Xuân đang được triển khai thi công. Theo ông Hoàng Văn Tuấn, Trưởng ban quản lý các dự án chuyên ngành giao thông Phú Yên, dự án Tránh trú bão Sông Cầu - Đồng Xuân có tổng mức đầu tư hơn 994 tỉ đồng từ nguồn vốn TPCP, theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong năm 2013. Tuy nhiên trong quá trình thi công vì còn nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và một số nguyên nhân khách quan khác nên dự án chưa thể hoàn thành. Tính đến nay dự án được bố trí hơn 648 tỉ đồng, trong đó giải ngân hơn 522 tỉ đồng. Hiện nhà thầu đang tiếp tục thi công hạ độ cao nền đường. Riêng dự án Nâng cấp tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Phú Yên - Gia Lai, đoạn qua địa phận Phú Yên có tổng mức đầu tư hơn 4.662 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2018, nhưng đến nay chỉ được phân bổ hơn 20 tỉ đồng nên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn.
Trên lĩnh vực thủy lợi đã có 7 dự án hoàn thành, 1 dự án đang triển khai và 4 dự án phải xử lý điểm dừng kỹ thuật gồm: dự án Nạo vét, cải tạo thoát lũ sông Bánh Lái, sông Kỳ Lộ, sông Ba và dự án Nạo vét và thoát lũ cửa biển Tân Quy. Ông Ngô Thạch Phổ, Trưởng ban quản lý dự án Thủy lợi và phòng chống thiên tai tỉnh cho biết: Đây là các dự án quan trọng, cấp bách, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân trong mùa mưa lũ, nhưng vì khó khăn về kinh phí nên các dự án này không thể thực hiện. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH-ĐT đã bố trí vốn TPCP và cho phép triển khai đầu tư tại một số vị trí xung yếu, bức thiết.
Ngoài ra, hiện nay một số dự án chuyên ngành y tế của tỉnh như bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi, bệnh viện chuyên khoa tâm thần đang phải hoãn, giãn tiến độ và chưa xác định thời gian thực hiện… Riêng Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh chỉ mới được đầu tư một phần cơ sở vật chất để đưa vào hoạt động tạm thời.
Ông Nguyễn Chí Hiến, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết: Từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh đã có 27 công trình đầu tư từ nguồn vốn TPCP được xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng. Hầu hết các công trình này đáp ứng được mục tiêu đầu tư, góp phần hạn chế, khắc phục những khó khăn trước đây, giúp đời sống, sản xuất của bà con nhân dân các vùng dự án được cải thiện đáng kể. Hiện nay, từ nguồn vốn TPCP, tỉnh đang triển khai một số dự án mang tính cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tính mạng và đời sống người dân, vì vậy rất cần được Chính phủ, các bộ ngành trung ương quan tâm, ưu tiên bố trí đủ nhu cầu vốn để công tác đầu tư được thuận lợi, đáp ứng tiến độ.
THỦY TIÊN