Vấn đề tìm giải pháp để phát triển nhanh lượng khách du lịch Nga đến Việt Nam một lần nữa được đặt ra tại Hội thảo Hợp tác và phát triển du lịch Việt - Nga do Tổng cục Du lịch, Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông và UBND tỉnh Phú Yên phối hợp tổ chức mới đây. Các diễn giả tiếp tục đề cập đến nhiều giải pháp về sự phong phú đa dạng và chất lượng dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, quảng bá, xúc tiến…
Báo Phú Yên lược ghi ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia du lịch về vấn đề nói trên.
TIẾN SĨ NGUYỄN PHÚ ĐỨC, NGUYÊN PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC DU LỊCH: 3 sản phẩm cần đầu tư
Ngoài những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng đang được các doanh nghiệp, địa phương quan tâm đầu tư, tôi đề xuất nên xây dựng 3 sản phẩm du lịch sau đây để thu hút du khách Nga.
1 ngày làm ngư dân. Trong hành trình du lịch nghỉ ngơi ở vùng biển, du khách có 1 ngày ra biển đánh bắt hải sản cùng ngư dân là một trải nghiệm lý thú và hiếm có; phù hợp với nhu cầu khám phá của họ. Hoạt động này có thể tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp, có thể dựa vào cộng đồng, giúp du lịch cộng đồng phát triển…
Tạo hình nghệ thuật bằng cát. Theo tôi, đây là một sản phẩm phù hợp, có tính đặc trưng và hấp dẫn với du khách Nga. Với sản phẩm này, du khách sẽ được xem các nghệ nhân xây lâu đài, tượng… bằng cát trên bãi biển. Du khách sẽ học cách làm, tự tạo các mẫu hình nghệ thuật bằng trí tưởng tượng và đôi tay của mình. Đây cũng là một trải nghiệm vui, thú vị trong chuyến đi.
Châm cứu dưỡng sinh cũng là một sản phẩm mà khách du lịch Nga thường lựa chọn. Châm cứu có nhiều loại như: châm bằng tay, điện châm, thủy châm, mai hoa châm… Chúng ta có thuận lợi là ngành Châm cứu của Việt Nam khá nổi tiếng với những thành tựu đã được thế giới công nhận.
BÀ HUỲNH THỊ KIM HƯƠNG, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH DU LỊCH SAO VIỆT: Tăng cường quảng bá, liên kết giữa các doanh nghiệp
Theo tôi, hiện vẫn còn nhiều vấn đề gây trở ngại cho sự phát triển của du lịch Phú Yên. Thứ nhất, Cảng hàng không Tuy Hòa vừa được xây dựng với quy mô lớn, hiện đại, có thể đón cùng lúc 3 máy bay loại lớn; tuy nhiên hiện số lượng chuyến bay lẫn chất lượng dịch vụ bay còn hạn chế. Nhiều du khách phàn nàn vì đi du lịch mà phải dậy từ 4 giờ sáng để ra sân bay, đó là chưa nói đến khi có tour, mua vài chục vé thì không có. Đường sắt cũng nên mở thêm tuyến tàu nhanh giữa các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa để có thể nối tour. Thứ hai, tỉnh Phú Yên cần linh hoạt hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư, nhất là việc hỗ trợ các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng. Thứ ba, khi đã có nơi ở tốt, đồ ăn ngon, du khách còn cần mua sắm, giải trí. Vì vậy, ngành Du lịch cần có cách tổ chức, khuyến khích sản xuất các mặt hàng lưu niệm có ý nghĩa, đặc trưng của địa phương. Thứ tư, Tổng cục Du lịch và tỉnh cần tiếp tục có chính sách đầu tư cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, tôn vinh nét đặc trưng của mỗi vùng miền. Và điều nữa là các công ty du lịch cần có sự liên kết, hợp tác.
ÔNG ANDREY SMIRNOV, THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THÀNH VIÊN CÔNG TY TNHH DU LỊCH ÁNH DƯƠNG: Sẽ liên kết với Phú Yên mở tour khách Nga
Chúng tôi rất ấn tượng khi được tham quan các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử ở Phú Yên như: Gành Đá Đĩa, Bãi Môn - Mũi Điện, núi Nhạn, nhà thờ Mằng Lăng, chùa Đá Trắng… Công ty TNHH Ánh Dương cũng đã khảo sát kỹ tiềm năng thế mạnh du lịch Phú Yên và sẽ cộng tác để xây dựng tour đưa khách Nga từ Nha Trang ra.
Trên cơ sở những kinh nghiệm công ty có được trong quá trình đưa khách Nga đến Việt Nam, chúng tôi xin được chia sẻ một vài vấn đề có liên quan mà ngành Du lịch Phú Yên cần quan tâm. Đó là tăng cường công tác tuần tra và cứu hộ dọc các bờ biển nhằm đảm bảo an toàn trên biển cho du khách; đảm bảo an ninh trật tự; ngăn chặn và xử lý kịp thời nạn chèo kéo khách mua hàng; tuyên truyền và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường du lịch đến từng người dân, doanh nghiệp; xây dựng và phát triển sản phẩm chủ lực của từng địa phương; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí, resort nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế; phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; đầu tư bảo tồn các di sản, di tích, khôi phục các lễ hội, làng nghề truyền thống; coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tiếng Nga cho những người công tác, phục vụ trong ngành Du lịch…
PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC HÀNG KHÔNG VIỆT NAM LƯU THANH BÌNH: Khuyến khích các hãng hàng không cùng khai thác
Trong những năm gần đây, du khách Nga đến Việt Nam tăng mạnh, chủ yếu đi bằng đường hàng không. Hiện tại có 3 hãng hàng không của Nga bay đến Việt Nam, tần suất 8 chuyến/tuần. Kết quả khai thác thị trường Nga của Vietnam Airlines năm 2013 đạt hơn 350.000 lượt khách (không tính các chuyến bay từ vùng Viễn Đông của Nga đến sân bay Cam Ranh), hệ số ghế trung bình đạt 81%. Riêng các chuyến chuyên cơ, 4 tháng đầu năm 2014, Cục Hàng không Việt Nam đã cấp phép cho 421 chuyến bay từ Nga đến Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc. Hàng không Việt Nam đang khuyến khích để các hãng hàng không các nước khai thác thêm nhiều chuyến bay quốc tế đến Việt Nam. Riêng với Nga, Cục Hàng không 2 nước đã ký thỏa thuận hợp tác, theo đó có thể tổ chức 21 chuyến bay/tuần. Các hãng không của 2 bên được chỉ định hợp tác song phương và có thể liên doanh với nước thứ ba… Những điều này cơ bản đáp ứng nhu cầu chuyên chở hàng hóa và đi lại của hành khách từ Việt Nam đến Nga và ngược lại.
Riêng với Cảng hàng không Tuy Hòa, sau khi đầu tư nâng cấp có thể tiếp nhận một lúc 2 chuyến máy bay loại lớn A320,
A321. Có thể khẳng định đây là cảng hàng không địa phương đạt tiêu chuẩn hiện đại nhất hiện nay. Chúng tôi đang khuyến khích các hãng hàng không trong nước đầu tư vào đây khai thác với các chính sách ưu đãi. Không chỉ khai thác đường bay Tuy Hòa - TP Hồ Chí Minh, Tuy Hòa - Hà Nội và ngược lại mà còn nối đến các cảng hàng không khu vực, từng bước khắc phục những hạn chế như hiện nay, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch Phú Yên nói riêng và khu vực Duyên hải miền Trung nói chung phát triển nhanh.
TRẦN QUỚI (lược ghi)