Cùng với tiến trình xóa bỏ các lò gạch, ngói thủ công, việc sản xuất và đưa vật liệu không nung vào sử dụng trong các công trình xây dựng đang được Nhà nước khuyến khích. Tuy nhiên, việc tăng cường sử dụng loại vật liệu mới này vẫn còn khó khăn.
ƯU THẾ HƠN GẠCH THỦ CÔNG
Phú Yên hiện có hơn 300 cơ sở sản xuất gạch, ngói thủ công với tổng sản lượng khoảng 185 triệu viên/năm. Nhằm giảm thiểu tác động xấu của sản xuất gạch, ngói nung thủ công, Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đẩy mạnh sản xuất vật liệu không nung phục vụ nhu cầu xây dựng thay cho các sản phẩm bằng đất sét nung. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 nhà máy sản xuất gạch bê tông cốt liệu (một trong những loại vật liệu không nung) với tổng công suất khoảng 50 triệu viên/năm.
Gạch không nung còn được gọi là gạch block, gạch bê tông, gạch xi măng... Theo ông Huỳnh Lữ Tân, Phó giám đốc Sở Xây dựng, đây là loại gạch xây sau khi được tạo hình, đóng nén… đạt các chỉ số về cơ học như cường độ nén, uốn, độ hút nước... mà không cần nung qua nhiệt. Độ bền của gạch không nung được gia tăng nhờ lực ép hoặc rung hoặc cả ép lẫn rung lên viên gạch và các thành phần kết dính của chúng. Hiện nay, sản phẩm gạch không nung có nhiều chủng loại, có thể sử dụng rộng rãi cho những công trình phụ trợ nhỏ đến các nhà cao tầng, giá thành cũng phù hợp với từng công trình. Đây cũng là loại vật liệu có độ bền, bề mặt nhẵn; do đó hạn chế được vữa xây, trát so với vật liệu đất sét nung, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành xây dựng, tuổi thọ công trình cao. Ông Tân cho biết: Qua kiểm chứng thực tế, so với gạch thủ công thì gạch không nung giúp tiết kiệm vữa xây từ 37 đến 77% (tùy thuộc vào kích thước gạch không nung), tiết kiệm 15 đến 25% chi phí nhân công, giảm 25% lượng vữa trát tường, từ đó giảm giá thành xây dựng từ 26 đến 58% (tính trên m3).
CẦN THAY ĐỔI THÓI QUEN
Mặc dù có nhiều tính năng vượt trội so với gạch đất sét nung nhưng hiện sức tiêu thụ loại vật liệu mới này trong xây dựng vẫn còn rất hạn chế. Ông Lê Hoàng Thông, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Bích Hợp cho biết: Nhà máy sản xuất gạch bê tông cốt liệu của công ty đang sản xuất 2 sản phẩm chính là gạch bê tông xây tường và gạch bê tông tự chèn. Vì thị trường còn hạn hẹp nên dây chuyền sản xuất của nhà máy chỉ hoạt động 1 ca/ngày, sản phẩm chủ yếu là gạch lát vỉa hè, được tiêu thụ ở Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai. Còn tại thị trường trong tỉnh, việc sử dụng vật liệu không nung trong ngành xây dựng còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Sở Xây dựng, nguyên nhân chính khiến thị trường vật liệu không nung chưa được chấp nhận chính là vì tâm lý, thói quen của người tiêu dùng. Ông Ngô Văn Tùng (TP Tuy Hòa), một người dân đang xây nhà cho biết: “Khi chuẩn bị xây nhà, tôi đã tìm hiểu nhiều loại gạch xi măng nhưng vẫn còn rất e ngại về độ bền, tính chịu lực… của loại vật liệu này nên tôi vẫn quyết định mua gạch ống (gạch đất sét nung) để xây nhà”.
Trước những khó khăn trên, mới đây UBND tỉnh đã có chỉ thị về việc sử dụng vật liệu không nung trong xây dựng công trình của tỉnh; đồng thời Sở Xây dựng cũng đang xây dựng thiết kế mẫu đối với các công trình nhà văn hóa, nhà trẻ theo chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó nguyên liệu xây dựng buộc phải sử dụng là loại gạch không nung.
Theo Chỉ thị 09/2014/CT-UBND của UBND tỉnh về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch, ngói đất sét nung trên địa bàn tỉnh, từ ngày 29/4/2014, các công trình xây dựng có sử dụng vật liệu xây tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung. Các công trình xây dựng có sử dụng vật liệu xây tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung. Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ… |
THỦY TIÊN