Hiện nhiều địa phương của tỉnh xác định tầm quan trọng của rau quả an toàn nên đã đưa ra những chủ trương, chính sách nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là rau xanh cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, các loại rau được trồng theo hướng an toàn chưa tìm ra chỗ đứng trên thị trường.
HƯỚNG NÔNG DÂN TRỒNG RAU SẠCH
Hiện một số huyện, thành phố đã quy hoạch dài hạn cho việc phát triển vùng chuyên canh rau an toàn, nhất là sản xuất rau an toàn theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Hướng sản xuất này được Bộ NN-PTNT ban hành từ năm 2008 dựa trên 4 tiêu chí gồm: Kỹ thuật sản xuất đúng tiêu chuẩn; an toàn thực phẩm gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch; môi trường làm việc phù hợp với sức lao động của người nông dân; nguồn gốc sản phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 2 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp là Bình Ngọc và Hòa Kiến 1 (TP Tuy Hòa) được cấp giấy chứng nhận sản phẩm rau quả tươi sản xuất phù hợp quy trình VietGAP. Ông Huỳnh Xuân Viện, người trồng rau theo quy trình VietGAP ở HTX Nông nghiệp KDTH Hòa Kiến 1 (TP Tuy Hòa), cho biết: Quy trình và kỹ thuật trồng rau theo quy trình VietGAP phức tạp hơn nhiều so với trồng rau theo kiểu truyền thống. Qua tập huấn, tôi đã nắm bắt tương đối đầy đủ quy trình này. Gia đình tôi đang sản xuất sản phẩm rau quả tươi an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, để sản xuất được những sản phẩm rau như vậy, người trồng rau phải bỏ ra rất nhiều công sức, chi phí cũng cao hơn so với trước đây”.
Nông dân xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) đang chăm sóc vườn dưa leo trồng theo quy trình VietGAP - Ảnh: A.NGỌC |
Theo ông Nguyễn Duyên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Phú Yên, vùng sản xuất rau quả áp dụng theo VietGAP phải được khảo sát, đánh giá sự phù hợp giữa điều kiện sản xuất thực tế với quy định hiện hành của Nhà nước đối với các mối nguy gây ô nhiễm về hóa học, sinh học và vật lý lên rau, quả. Từng vụ phải đánh giá nguy cơ ô nhiễm hóa học, sinh học và vật lý do sử dụng phân bón và chất phụ gia.
Nếu xác định có nguy cơ ô nhiễm thì cần áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm lên rau, quả. Hạt giống trước khi gieo cần được xử lý diệt nguồn sâu bệnh, chỉ gieo trồng các loại giống tốt và trồng cây con khỏe mạnh, không mang nguồn sâu bệnh. Nên sử dụng phân hữu cơ hoai mục bón cho rau, chỉ sử dụng phân hóa học bón thúc vừa đủ theo yêu cầu của từng loại rau và cần kết thúc bón trước khi thu hoạch ít nhất 15 ngày. Nước tưới cho sản xuất và xử lý sau thu hoạch rau quả phải đảm bảo không bị nhiễm khuẩn, nhiễm hóa chất hoặc ô nhiễm vật lý. Người lao động và tổ chức, cá nhân sử dụng lao động phải được tập huấn về phương pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các biện pháp sử dụng bảo đảm an toàn. Nên áp dụng các biện pháp quản lý sâu bệnh tổng hợp (IPM), chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và chọn các loại thuốc trong danh mục được phép sử dụng có hàm lượng hoạt chất thấp, ít độc hại, thời gian cách ly phải đảm bảo theo đúng hướng dẫn.
TÌM ĐẦU RA CHO SẢN PHẨM
Rau quả tươi đóng vai trò rất quan trọng trong khẩu phần ăn hằng ngày của mọi người nên nhu cầu sử dụng rau an toàn không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, việc cung cấp rau an toàn ra thị trường hiện nay đang gặp không ít khó khăn, đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định nên người trồng rau không đủ tự tin để đầu tư sản xuất. Ông Võ Kim Quy ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa), cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 5.000m2 đất chuyên trồng rau. Sau một thời gian sản xuất theo quy trình VietGAP, sản phẩm vẫn chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Hiện tôi bán sản phẩm chủ yếu tại vườn cho các người chuyên mua gom để bán lại tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Giá của những sản phẩm rau quả được sản xuất theo quy trình VietGAP không cao hơn những sản phẩm rau quả truyền thống như hành lá hiện có giá 17.000 đồng/kg, đu đủ và dưa leo là 5.000 đồng/kg, còn khổ qua thì 7.000 đồng/kg… Do vậy, nông dân trồng rau chưa dám đầu tư những trang thiết bị theo yêu cầu như máy tưới nước tự động, nhà lưới và các dụng cụ sản xuất khác”.
Theo ông Tô Tấn Nguyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp KDTH Hòa Kiến 1 thì hiện số hộ và diện tích trồng rau của HTX rất lớn, nhiều hộ xã viên thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất rau, củ, quả. Để trồng rau theo quy trình VietGAP, người nông dân phải đầu tư cao hơn 10 đến 15% so với trồng rau theo phương pháp truyền thống. Trong khi đó, giá bán sản phẩm rau quả sạch, an toàn lại không cao hơn sản phẩm rau quả truyền thống nên người trồng rau trên địa bàn chưa mặn mà để đầu tư công nghệ hiện đại.
Ông Nguyễn Duyên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Phú Yên, cho biết: Các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo thị trường, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, ngành công thương và các địa phương cần phát triển mạng lưới tiêu thụ sản phẩm. UBND tỉnh nên có cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp mở các hệ thống bán lẻ, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đây chính là sự kết nối giữa người làm ra sản phẩm an toàn với người tiêu dùng, thông qua các hệ thống tiêu thụ. Về lâu dài, việc thay đổi quy mô trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP mới là mấu chốt để tác động đến các chuỗi phía sau như tiêu thụ, phân phối sản phẩm, thâm nhập rộng rãi thị trường trong và ngoài nước.
ANH NGỌC