Từ năm 2000, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Thủy sản phối hợp với địa phương triển khai dự án thủy lợi hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa). Tuy nhiên, vì khó khăn khách quan, nên sau đó việc đầu tư dự án được giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vậy nhưng cho đến nay, dự án này vẫn chưa được lập xong để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Người nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch rất cần hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh - Ảnh: N.LƯU
Trong một chương trình nghị sự mới đây, Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Hòa lại bức xúc bàn về những tồn tại trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở đồng tôm hạ lưu sông Bàn Thạch, từ đó thống nhất kiến nghị tỉnh, các ngành chức năng sớm quan tâm đầu tư dự án thủy lợi điều tiết nước mặn phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp ở hạ lưu sông Bàn Thạch (gọi tắt là dự án thủy lợi hạ lưu sông Bàn Thạch).
Thực tế, từ những năm 2000, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo ngành thủy sản phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện dự án trên. Song, do khó khăn về chức năng quản lý thủy lợi, nên sau đó UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xúc tiến các bước lập thủ tục để đầu tư xây dựng dự án thủy lợi hạ lưu sông Bàn Thạch. Tuy nhiên, đến nay Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn chưa lập xong dự án này để trình UBND tỉnh phê duyệt đầu tư!
Lâu nay, vùng nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch với hệ thống thủy lợi kênh cấp, kênh thoát nước đều chung. Trong khi đó, quy mô diện tích ao nuôi ngày càng phát triển mạnh, dẫn đến quá tải. Người nuôi tôm ở đây chạy theo lợi nhuận mà “hành xử” thô bạo với thiên nhiên, lấn chiếm gây ách tắc dòng chảy, thả tôm quá dày, xả thải tôm bệnh ra sông… Hệ quả là môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, với những vụ tôm đầy rủi ro do tôm liên tục bị dịch bệnh, mỗi năm có hơn 80% hộ nuôi lỗ vốn trắng tay, nợ nần chồng chất!
Thực tế trên cho thấy, việc chậm cải tạo cơ sở hạ tầng, nhất là chậm xây dựng dự án thủy lợi hạ lưu sông Bàn Thạch phục vụ cho nuôi tôm, đã gây tổn thất rất lớn cho người nuôi và cả nguồn thu ngân sách của huyện Đông Hòa. Do vậy, để sớm phục hồi, phát triển nghề nuôi tôm đạt hiệu quả, bền vững, ngành nông nghiệp cần sớm triển khai thực hiện hoàn chỉnh dự án thủy lợi hạ lưu sông Bàn Thạch, đặc biệt là xây dựng hệ thống kênh cấp, kênh thoát nước riêng. Chính quyền địa phương huyện Đông Hòa vận động cộng đồng những người nuôi tôm thực hiện quy chế vùng nuôi, cùng cải tạo, nâng cấp ao hồ, giải quyết giảm thiểu áp lực về quy mô diện tích, giảm mật độ thả tôm, điều tiết nguồn nước hợp lý… nhằm cân bằng môi trường sinh thái, hạn chế dịch bệnh tôm xảy ra.
LƯU PHONG