Mô hình trồng rau sạch đã và đang được triển khai tại nhiều địa phương ở Phú Yên, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật của người trồng rau, đồng thời cung ứng cho thị trường một lượng rau sạch đáng kể. Thế nhưng, để thị trường chấp nhận sản phẩm rau an toàn, và tiếp tục mở rộng diện tích rau an toàn vẫn là một câu hỏi đang được đặt ra.
THAY ĐỔI TƯ DUY TRỒNG RAU
Nông dân xã Bình Ngọc đã tiếp cận phương pháp sản xuất rau an toàn – Ảnh: MINH NGUYỆT
Từ cuối năm 2003, tại làng rau Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên triển khai dự án “Xây dựng hệ thống sản xuất và cung ứng rau an toàn trên địa bàn tỉnh Phú Yên”. Nhiều người dân địa phương đã tham gia dự án này.
Ông Huỳnh Văn Sự, một người trồng rau kỳ cựu ở Bình Ngọc cho biết: “Lúc trước, chúng tôi sử dụng giống ở địa phương, năng suất thấp, lại hay sâu bệnh. Hễ cứ thấy có sâu là phun thuốc, thậm chí không có sâu cũng phun định kỳ để phòng ngừa nên rất tốn kém. Nay nhờ dự án tôi mới hiểu ra, trên ruộng rau còn có lực lượng thiên địch diệt sâu bệnh mà không cần phun thuốc”. Người cục mịch, da đen nhẻm vì nắng gió nhưng khi nói về kỹ thuật trồng rau mới thì ông Sự thuộc làu như một cán bộ kỹ thuật. Ông nêu vanh vách cách sản xuất rau an toàn và thâm canh rau hợp lý với việc thực hiện nghiêm túc tiêu chuẩn ba điều sạch, năm điều cấm. Ba điều sạch là sạch đạm Nitrat (NO3), sạch dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và sạch vi sinh vật gây bệnh. Năm điều cấm là cấm dùng phân tươi, cấm dùng nước bẩn, cấm lạm dụng phân đạm, cấm dùng thuốc BVTV có độc tính cao và cấm dùng hóa chất nông nghiệp trước khi thu hoạch 10 ngày. Ông Sự còn say sưa nói về sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng là đúng lúc, đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách. Ông Sự khẳng định: “Trồng rau an toàn giảm được chi phí đầu tư và lợi nhuận cao hơn vì sử dụng ít phân thuốc”.
Thời gian qua, ngành BVTV đã tổ chức nhiều khóa tập huấn về sản xuất rau an toàn, giúp nông dân nắm được kỹ thuật trồng rau theo phương pháp mới. Khi dự án kết thúc, giữa năm 2006, Chi cục BVTV Phú Yên đã mở rộng chương trình tập huấn rau an toàn trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Ông Dương Văn Tâm một người trồng rau nói: “Không sử dụng thuốc BVTV trước hết đảm bảo sức khỏe cho người trực tiếp canh tác, sau đó là người sử dụng rau. Mỗi khi nghe có vụ ngộ độc thức ăn, chúng tôi ray rứt lương tâm lắm nên bà con thường động viên, nhắc nhở nhau để cùng sản xuất rau an toàn”.
Hiện ở đầu các bờ ruộng rau, hầu như đám nào cũng có những bao phân chuồng chất sẵn. Theo những nông dân, họ tăng cường sử dụng loại phân này làm cho đất tơi xốp, thay cho phân vô cơ như trước kia. Dùng phân vô cơ, rau phát triển nhanh nhưng đất bị chai đi, không tốt cho những vụ sau.
Bình Ngọc hiện có hơn 500 hộ trồng rau với diện tích hơn 40 ha. Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Bình Ngọc Nguyễn Ngọc Anh cho biết: “Hầu hết người dân đều có ý thức trong việc áp dụng mô hình trồng rau an toàn. Ở các cuộc họp, lãnh đạo luôn lưu ý bà con hạn chế dùng thuốc, khi nào bệnh dịch nặng mới dùng và phải sau thời gian 15 ngày mới thu hoạch”.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ RAU AN TOÀN ĐƯỢC TIN DÙNG?
Điểm bán rau an toàn của HTX nông nghiệp Bình Ngọc – Ảnh: MINH NGUYỆT
HTX Bình Ngọc đã có một cửa hàng bán rau an toàn tại 287 – Trường Chinh (TP Tuy Hòa). Cửa hàng thu hút khá nhiều khách, bước đầu tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, HTX này vẫn không thể mở thêm nhiều cửa hàng khác vì theo ông Nguyễn Ngọc Anh: “Chi phí thuê mặt bằng khá cao và nếu chỉ bán mặt hàng rau thôi thì cũng khó cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng cần mua nhiều mặt hàng khác”. Chị Hoàng Thị Lê ở phường 2 (TP Tuy Hòa) nói: “Tôi biết điểm bán rau an toàn ở phường 7 nhưng không lẽ ngày nào cũng đi chợ hai nơi?”.
Hiện nay, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa phân biệt được đâu là sản phẩm an toàn và không an toàn khi mua rau. Bởi lẽ, rau ở chợ được cung ứng từ nhiều nguồn. Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên Nguyễn Hữu Doãn đề xuất: “Mỗi huyện nên có một vùng rau tập trung để cung cấp cho các bếp ăn tập thể, nhân dân theo yêu cầu. Vùng rau này phải được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cần thiết và giúp đỡ để sản xuất được rau an toàn”. Ông Doãn nói thêm: “Trong khâu tiêu thụ cần làm tốt hơn sự phối hợp hoạt động giữa các ngành liên quan như nông nghiệp, thương mại và y tế. Chúng ta cũng cần có sự phối hợp kiểm soát những sản phẩm rau cung cấp về Phú Yên, có sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp để kiểm soát tận gốc chất lượng rau”.
MINH CHÂU