Để hoạt động kinh doanh, công tác quản lý ở các chợ trên địa bàn tỉnh dần đi vào nề nếp, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu mua bán, tiêu dùng của người dân, việc triển khai xây dựng chợ đạt chuẩn văn minh là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để hoàn thiện mô hình này thì cần có nhiều thời gian và lộ trình thực hiện.
KHÓ NHƯNG PHẢI TRIỂN KHAI
Theo các Ban quản lý chợ, hiện nhiều chợ trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại tình trạng tiểu thương lấn chiếm hành lang, lối đi để trưng bày hàng hóa, làm điểm giữ xe trái phép; công tác phòng cháy chữa cháy chưa được thực hiện nghiêm ngặt, đầy đủ; hàng hóa kinh doanh bày bán còn có hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… gây ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng và làm mất trật tự, an toàn chợ. Do đó, việc triển khai xây dựng chợ đạt chuẩn văn minh là cần thiết. Trưởng Ban quản lý chợ phường Phú Lâm Nguyễn Thị Phải cho biết: Chợ Phú Lâm là chợ loại 3, hoạt động mua bán của tiểu thương còn khá phức tạp. Điển hình là nhiều hộ dân lấn chiếm diện tích của chợ để làm điểm giữ xe, đưa ra giá giữ xe không đúng quy định; công tác quản lý chợ còn nhiều khó khăn do chưa có sự phối hợp, giúp đỡ của công an, chính quyền địa phương… Vì vậy, việc triển khai mô hình chợ đạt chuẩn văn minh là hết sức cần thiết.
Đại diện Ban quản lý chợ Tuy Hòa, bà Đoàn Thị Kim Loan cho hay: Công tác xây dựng giai đoạn 2 của chợ Tuy Hòa chưa được triển khai. Hiện phía bắc của chợ còn thấp; nhiều lều, sạp xây dựng từ rất lâu nên không an toàn, bảo đảm vệ sinh; 62 hộ dân đang lấn chiếm hành lang kinh doanh nhưng Ban quản lý chợ chưa thể giải quyết được… Do đó, chúng tôi nhận thấy việc triển khai xây dựng chợ văn minh là rất cần thiết, là điều kiện để ổn định trật tự chợ.
Theo Sở Công thương, chợ đạt chuẩn văn minh được xác định dựa trên 4 tiêu chuẩn gồm: tổ chức quản lý chợ; hộ kinh doanh tại chợ; quầy, sạp trưng bày hàng hóa; an toàn và vệ sinh. Các tiêu chuẩn này được cụ thể hóa theo từng nội dung, được tính với số điểm tương ứng.
CẦN CÓ LỘ TRÌNH
Đồng tình với mô hình xây dựng chợ văn minh, ông Trần Thuấn, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Sông Hinh cho biết: Từ năm 2013, địa phương đã có ý tưởng xây dựng chợ văn minh và đặt ra nhiệm vụ phải làm trước tiên đó là đầu tư, sửa chữa lại chợ. Hiện nay, huyện đã lên kế hoạch xây dựng khu hàng thực phẩm tươi sống, hoàn thiện các quầy, sạp hàng cố định, sắp xếp hợp lý ngành hàng và từng bước vận động tiểu thương thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, việc xây dựng chợ đạt chuẩn văn minh cần có nhiều thời gian, thực hiện từng bước theo lộ trình cụ thể.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó giám đốc Sở Công thương Phú Yên, xây dựng chợ văn minh là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác quản lý chợ trên địa bàn hiện nay. Sở đã xác định đây là việc làm lâu dài và cần có nhiều thời gian. Trong tháng 5/2014, Sở Công thương sẽ phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, cùng một số tổ quản lý chợ trên địa bàn tỉnh triển khai mô hình xây dựng các chợ đạt chuẩn văn minh; đồng thời theo dõi công tác tổ chức triển khai để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Để công tác này được thuận lợi, sở cần sự phối hợp của UBND các huyện, tổ quản lý chợ; đặc biệt là công tác rà soát, chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh ở các chợ. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động để tiểu thương ủng hộ và thực hiện đúng quy định, các huyện cần triển khai trên cơ sở, điều kiện phù hợp với địa phương mình; xây dựng nội quy và có chế tài hợp lý.
Về kinh phí thực hiện, theo ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Phó chủ tịch UBND tỉnh, để duy trì các tiêu chuẩn khi đạt chợ văn minh, các chợ do Nhà nước đầu tư xây dựng, UBND cấp huyện được trích từ nguồn ngân sách địa phương để cấp cho các chợ đạt chuẩn văn minh bằng 10% tổng số thu phí đầu tư xây dựng chợ đó hằng năm. Đối với các chợ còn lại, khoản kinh phí này được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của các tổ chức quản lý chợ theo quy định về quản lý tài chính. Mặt khác, các tổ chức quản lý chợ phải thường xuyên kiểm tra việc duy trì các tiêu chuẩn đạt chợ văn minh và có trách nhiệm giữ vững danh hiệu chợ văn minh đã được công nhận.
VÕ PHÊ