3 huyện miền núi gồm Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân có 25 hợp tác xã (HTX), chiếm 20% trong tổng số các HTX đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Từ nhiều năm nay, hầu hết các HTX này luôn trong tình trạng hoạt động không hiệu quả; vì vậy UBND các huyện đã tiến hành sắp xếp, kiện toàn vàđưa ra nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX này đểhoàn thành tiêu chí 13 về xây dựng nông thôn mới.
Mô hình lúa mẫu tại HTX Xuân Sơn Bắc (Đồng Xuân) - Ảnh: M.DUYÊN
HOẠT ĐỘNG KHÓ KHĂN
Tại 13 xã của huyện Sơn Hòa đều chưa hoàn thành tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất (quy định mỗi xã phải có tổ hợp tác (THT) hoặc HTX hoạt động hiệu quả). Ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa cho biết: Các THT, HTX trên địa bàn huyện, từ năm 2002 đến đầu năm 2012 luôn trong tình trạng thành lập rồi giải thể. Cụ thể, đối với THT, năm 2002, toàn huyện có 10 THT; đến năm 2007, thành lập mới 18 THT, đưa tổng số THT hoạt động lên 28 THT, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp 19 tổ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp 7 tổ, xây dựng 2 tổ. Nhưng đến nay, toàn huyện không còn THT nào hoạt động dù dưới bất kỳ hình thức có đăng ký hay không có đăng ký với chính quyền địa phương. Riêng với HTX, được coi là thành phần nòng cốt của kinh tế tập thể, năm 2002 có 2 HTX, đến năm 2004 giải thể 1 HTX, năm 2007 thành lập mới 4 HTX, năm 2009 tiếp tục giải thể 4 HTX và tháng 4/2012 đăng ký ra đời 2 HTX thương mại. Hiện toàn huyện chỉ có 1 HTX nông nghiệp và 2 HTX thương mại. Trong đó, 2 HTX thương mại mới “khai sinh” còn 1 HTX “lâu đời” là HTX Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Củng Sơn ra đời từ năm 1997, đang hoạt động cầm chừng vì không thu hút được vốn góp thành viên.
Còn huyện Sông Hinh có 5 HTX với 4 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp và 1 HTX thương mại. Trong đó, HTX Sản xuất nông nghiệp Đức Bình Tây 3 (xã Đức Bình Tây) đang đứng trước nguy cơ giải thể; 3 HTX nông nghiệp còn lại hoạt động cầm chừng và chỉ duy nhất có HTX Kinh doanh tổng hợp Tiền Hải (thị trấn Hai Riêng) nhờ tiếp nhận dịch vụ kinh doanh và quản lý chợ (năm 2012) nên duy trì được hoạt động và bước đầu có lãi.
Huyện Đồng Xuân có 19 HTX cũng chủ yếu là các HTX nông nghiệp và nhiều năm liền hoạt động trong tình trạng “âm vốn”. Ông Nguyễn Văn Tri, Phó trưởng phòng phụ trách NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết: Nguyên nhân do các HTX hoạt động dịch vụ không hiệu quả để nợ đọng trong dân kéo dài, không có khả năng thu hồi. Nặng nề nhất là dịch vụ thủy lợi nội đồng, khi mà các HTX không thể thanh toán tiền điện cho Công ty Điện lực Phú Yên, dẫn đến bị cắt điện thường xuyên, ảnh hưởng đến tưới tiêu mùa vụ. Cụ thể, đến cuối năm 2012, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp (SXKDDVNN) Phước Huệ nợ 15 triệu đồng; HTX SXKDDVNN Triêm Đức nợ 20 triệu đồng…
Huyện Sơn Hòa củng cố các HTX cũ bằng cách vận động thành viên góp vốn (Trong ảnh: Một thành viên góp vốn tại HTX Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Củng Sơn) - Ảnh: M.DUYÊN
GIẢI PHÁP THEO LỘ TRÌNH
UBND huyện Sơn Hòa đưa ra giải pháp củng cố HTX cũ và thành lập các HTX mới theo Luật HTX 2012. Theo đó, UBND huyện đã xây dựng Đề án số 03/ĐA-UBND ngày 15/3/2013 về Kiện toàn đổi mới và phát triển kinh tế tập thể huyện Sơn Hòa đến năm 2015, trong đó tập trung vào xây dựng HTX kiểu mới và củng cố HTX Củng Sơn bằng cách vận động thành viên góp vốn, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia. Đến tháng 11/2013, 2 HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp tại xã Sơn Hà đi vào hoạt động. Trong đó, HTX dịch vụ kinh doanh tổng hợp (DVKDTH) Minh Thắng hoạt động chăm sóc cây cảnh, sinh vật cảnh, đào tạo nghề và quản lý chợ; HTX DVKDTH Hải Hà kinh doanh nhà trọ, mua bán vật liệu xây dựng, vải sợi, quần áo may sẵn. UBND huyện đặt ra mục tiêu, đến năm 2015 có 25% số xã (cụ thể tại 3 xã Sơn Hà, Sơn Nguyên, Sơn Định) thành lập mới và đi vào hoạt động hiệu quả các HTX, THT. Đến năm 2020, ít nhất 60% số xã hoàn thành tiêu chí 13 về xây dựng nông thôn mới.
Trong khi đó, tại huyện Đồng Xuân, UBND huyện củng cố các HTX đang hoạt động cầm chừng bằng cách sáp nhập các HTX này với nhau để mở rộng phạm vi hoạt động của các HTX từ cấp thôn lên cấp xã nhằm tạo ra cơ sở hạ tầng ổn định làm tiền đề cho các HTX mới hoạt động hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn huyện, 7 HTX nông nghiệp hoạt động ở phạm vi thôn, đã sáp nhập thành 3 HTX nông nghiệp mới với quy mô toàn xã. Cụ thể, HTX SXKDDVNN Phước Thọ của thôn Phước Thọ hợp nhất với HTX SXKDDVNN Xuân Sơn Bắc thành HTX SXKDDVNN Xuân Sơn Bắc của xã Xuân Sơn Bắc (HTX SXKDDVNN Xuân Sơn Bắc đã tiến hành Đại hội đại biểu xã viên và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 10/4/2013). 3 HTX NN KDDVNN ở các thôn Phú Hội, Phú Xuân, Phước Hòa của xã Xuân Phước hợp thành HTX SXKDDVNN Xuân Phước (bắt đầu hoạt động từ ngày 16/8/2013). HTX SXKDDVNN các thôn Phước Huệ, Triêm Đức của xã Xuân Quang 2, hợp nhất cùng tập đoàn SXNN Phú Sơn thành HTX SXKDDVNN Xuân Quang 2 (hoạt động từ ngày 16/10/2013). Hiện các HTX nông nghiệp ở huyện Đồng Xuân có tổng giá trị tài sản cố định 50.302 triệu đồng, thu hút 17.034 xã viên với 79 cán bộ quản lý HTX.
Theo ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, trong năm 2014, UBND huyện sẽ tiếp tục sáp nhập các HTX nông nghiệp còn yếu kém, có cùng điều kiện địa hình tương đồng và có các dịch vụ kinh doanh gần giống nhau, có thể bổ sung cho nhau để hình thành các HTX mới theo quy mô toàn xã, thị trấn.
Ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Do điều kiện cơ sở hạ tầng hạn chế nên thành phần kinh tế tập thể tại khu vực miền núi còn yếu kém, hoạt động không hiệu quả. Sự vào cuộc kịp thời của UBND các huyện là cơ hội để các HTX thay đổi mình trong thời gian tới. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, bản thân các HTX cần xóa bỏ tư duy bao cấp, tự lực vươn lên khắc phục khó khăn.
MINH DUYÊN