Hình thành từ năm 1993 đến nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có bước phát triển với nhiều loại hình doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, tái bảo hiểm và môi giới bảo hiểm. Doanh thu phí bảo hiểm trung bình hàng năm đạt 19,4% trong giai đoạn 2002-2012, cao hơn nhiều so với tăng trưởng GDP bình quân hàng năm. Mức tăng trưởng trên 14% của năm 2013 trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn là những bước tiến lạc quan của thị trường bảo hiểm trong năm 2014 .
TRỤ CỘT TRONG KHU VỰC DỊCH VỤ TÀI CHÍNH
Tại hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm vừa được diễn ra tại Ninh Bình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh thị trường bảo hiểm ngày càng khẳng định vai trò trong nền kinh tế; là một trụ cột quan trọng trong khu vực dịch vụ tài chính bên cạnh hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán. Thông qua việc chi trả quyền lợi bảo hiểm (đạt mức trung bình 8.000 tỉ đồng/năm giai đoạn 2002-2012 và xấp xỉ 19.000 tỉ đồng năm 2013), thị trường bảo hiểm đã góp phần quan trọng ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống dân cư.
Với tổng đầu tư trở lại nền kinh tế bình quân trên 47.000 tỉ đồng/năm giai đoạn 2002-2012, riêng năm 2013 là trên 105.000 tỉ đồng, đạt gần 3% GDP, thị trường bảo hiểm đã phát huy vai trò là kênh huy động hiệu quả nguồn vốn nhàn rỗi và đầu tư trở lại nền kinh tế. Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã tạo việc làm cho trên 350.000 lao động với thu nhập ổn định, góp phần không nhỏ vào ổn định an sinh xã hội. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng không ngừng nâng cao năng lực tài chính. Hầu hết các doanh nghiệp đảm bảo khả năng thanh toán và đạt mức vốn chủ sở hữu theo quy định. Tổng tài sản toàn thị trường tăng bình quân 25%/năm trong giai đoạn 2002-2012, riêng năm 2013 đạt trên 132.000 tỉ đồng, trong đó tổng nguồn vốn chủ sở hữu đạt gần 38.000 tỉ đồng. Các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm cũng phát huy vai trò thúc đẩy doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các tổ chức, doanh nghiệp và dân cư tham gia bảo hiểm nhằm bảo đảm an toàn tài chính trong quá trình sản xuất kinh doanh và đời sống.
Mặc dù đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận ở trên, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn khá nhỏ về quy mô, tỉ lệ doanh thu phí trên GDP mới chỉ đạt mức xấp xỉ 2% so với mức trung bình 3,2% trong khu vực ASEAN và 6,5% trên toàn thế giới. Điều này cho thấy tiềm năng của thị trường rất lớn, còn nhiều cơ hội để phát triển. Ngoài ra, thị trường bảo hiểm vẫn còn một số tồn tại như sản phẩm trên thị trường mặc dù nhiều nhưng chưa đa dạng và còn ít các sản phẩm vì mục đích cộng đồng và an sinh xã hội. Trong khi đó, năng lực quản trị rủi ro, quản trị doanh nghiệp còn hạn chế, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn tồn tại, hiện tượng trục lợi bảo hiểm đang có xu hướng gia tăng.
VẪN CÒN NHIỀU TIỀM NĂNG
Theo dự báo của Cục Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm phấn đấu đạt 51.632 tỉ đồng, tăng 9,7% so với năm 2013, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng khoảng 11,5%, phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm phấn đấu tăng từ 5 đến 7%.
Nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra lạc quan về triển vọng cũng như cơ hội bứt phá trong năm 2014 của thị trường bảo hiểm Việt Nam có thể tăng trưởng cao hơn dự báo, bất chấp khó khăn chung của nền kinh tế. Ngay đối với tư lệnh ngành Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng phải thừa nhận rằng: Nhu cầu bảo hiểm của người dân, của các tổ chức kinh tế - xã hội sẽ ngày càng tăng lên. Đây là cơ hội để thị trường bảo hiểm phát triển.
Để khai thác tiềm năng to lớn của thị trường và tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị các doanh nghiệp cần phải đánh giá thực trạng hoạt động kinh doanh bảo hiểm trên tất cả các mặt từ chiến lược, định hướng tiếp cận thị trường cho đến phát triển sản phẩm; phát triển kênh phân phối; chất lượng phục vụ khách hàng; năng lực tài chính và chiến lược, danh mục đầu tư; công tác định phí bảo hiểm, hoa hồng bảo hiểm . Cùng với đó là công tác bồi thường, trả tiền bảo hiểm; phòng chống trục lợi bảo hiểm; hoạt động môi giới bảo hiểm; tái bảo hiểm và làm rõ những vấn đề nào thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp, những vấn đề nào cần tháo gỡ liên quan đến cơ chế, chính sách và quản lý, giám sát. “Chỉ có như vậy, Bộ Tài chính mới có thể hoàn chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giúp thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, lành mạnh với tốc độ tăng trưởng, hiệu quả cao hơn nhằm đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của nền kinh tế và góp phần bảo đảm an sinh xã hội ”, Bộ trưởng Dũng cho hay.
Cục Giám sát bảo hiểm cũng cho rằng để phát triển thị trường bảo hiểm 2014 thì các cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Cùng với tăng cường công tác quản lý, giám sát doanh nghiệp cần chủ động thực hiện các giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp bảo hiểm, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp để cùng nhau phát triển. Có như vậy mới khắc phục tình trạng trục lợi bảo hiểm và cạnh tranh không lành mạnh trong ngành.
THÙY DƯƠNG - (TTXVN)