Nhiều chủ xe ở Phú Yên và Khánh Hòa đang rất bức xúc khi đã đóng phí đường bộ hàng năm lại phải tốn thêm tiền mỗi khi qua lại 2 trạm thu phí Bàn Thạch (Phú Yên) và Ninh An (Khánh Hòa) do Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả quản lý khai thác. Tuy nhiên, đơn vị này lại khẳng định mình thực hiện đúng các quy định pháp luật.
Trạm thu phí Bàn Thạch của Công ty cổ phần Đầu tư Đèo - Ảnh: T.HOÀI
CHỦ XE KÊU PHÍ CHỒNG PHÍ
Hiện nhiều nhà xe ở 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa rất bất bình khi mỗi lần qua lại 2 trạm thu phí Bàn Thạch đóng tại xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên) và Ninh An đóng tại xã Ninh An, TX Ninh Hòa (Khánh Hòa), họ đều phải tốn thêm tiền mua vé lượt, vé tháng. Ông Hồ Trư, chủ DNTN Vận tải và Du lịch Cúc Tư (Phú Yên) bức xúc bày tỏ: “Mỗi năm chúng tôi phải đóng một khoản phí đường bộ không nhỏ cho các đầu xe của doanh nghiệp. Vậy mà mỗi lần qua 2 trạm thu phí Bàn Thạch và Ninh An, các tài xế chạy tuyến Tuy Hòa - TP Hồ Chí Minh và ngược lại đều phải mua vé mới được qua trạm. Thật là vô lý vì Nhà nước đã thu phí cả năm rồi giờ còn thu phí theo từng trạm lẻ. Doanh nghiệp bị thiệt hại không nhỏ, nhất là tại thời điểm khó khăn như hiện nay.
Nhiều chủ phương tiện cũng cho rằng, việc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả tăng phí kể từ ngày 5/2/2014 là điều không thể chấp nhận. Anh Lê Văn Bằng, tài xế xe tải thường xuyên vận chuyển hàng từ cảng Vũng Rô về TP Tuy Hòa cho biết: Phí qua trạm Bàn Thạch tăng thêm làm nhà xe đã khó lại càng thêm khó. Thời buổi xe nhiều hàng ít, các nhà xe cạnh tranh quyết liệt với nhau mới có hàng để chở mà mỗi tháng tốn thêm vài trăm ngàn tiền phí thì hiệu quả kinh doanh giảm rõ rệt. Nhưng biết làm sao được, cứ nói đây là quy định chung thì cũng đành chấp nhận thôi, nhưng anh em tài xế ức lắm. Thông thường xây hầm, làm đường xong mới tổ chức thu phí nhưng chưa làm được gì mà đã lập trạm thì thật là tréo ngoe!
NHÀ ĐẦU TƯ BẢO ĐÚNG QUY ĐỊNH
Liên quan đến vấn đề này, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, cố vấn cao cấp của Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết: Dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả được Thủ tướng Chính phủ cho triển khai theo hình thức BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao) và BT (đầu tư - chuyển giao) nhằm nâng cao tính khả thi. Hình thức hợp tác này sẽ giúp rút ngắn thời gian hoàn vốn cho dự án nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro khiến nhà đầu tư quan ngại. Nhằm hỗ trợ nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, trong đó cho phép Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả tiếp nhận 2 trạm thu phí Bàn Thạch và Ninh An để khai thác, đảm bảo khả năng hoàn vốn. Mặc dù vậy, nhà đầu tư đã phải chịu thiệt khi bỏ ra 118 tỉ đồng mua lại quyền thu phí của đơn vị khác. Ông Dũng khẳng định, việc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả tổ chức thu phí tại 2 trạm nói trên là đúng với các quy định của pháp luật; việc thu phí đối với các dự án BOT không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ.
Về việc các chủ phương tiện cho rằng, nhà đầu tư dự án tự ý tăng phí từ đầu tháng 2/2014, theo ông Dũng, trong hợp đồng về việc thực hiện dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả ký giữa Bộ GTVT (đại diện cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền) với Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả có quy định, nhà đầu tư dự án được phép tăng phí sử dụng đường bộ theo lộ trình tính toán trong phương án tài chính của dự án thông qua thẩm định của các bộ liên quan và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Để cụ thể hóa vấn đề này, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 197/2013/TT-BTC ngày 19/12/2013 quy định mức thu, chế độ thu nộp và sử dụng phí. Như vậy, nhà đầu tư dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thu phí tại 2 trạm Bàn Thạch và Ninh An.
THANH HOÀI