Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên đang phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh (Sở KH-CN) kiểm tra điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ (TSMN) của các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh để cấp phép hoạt động. Qua khảo sát cho thấy, hầu hết doanh nghiệp có quy mô nhỏ, nhân công ít, quy trình sản xuất giản đơn… nên việc xem xét cấp phép gặp nhiều khó khăn.
Sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ tại một DNTN kinh doanh vàng, chợ Phú Nhiêu, xã Hòa Mỹ Đông (Tây Hòa) - Ảnh: L.HẢO
VỪA LÀ CHỦ, VỪA LÀ THỢ
Tuy chỉ là chợ xã nhưng chợ Phú Nhiêu (xã Hòa Mỹ Đông, Tây Hòa) có đến 8 doanh nghiệp tư nhân (DNTN) kinh doanh vàng. Các doanh nghiệp đều có quy mô nhỏ, thợ vàng chỉ có 1 đến 2 người, cũng chính là chủ doanh nghiệp hoặc người nhà. Điển hình như DNTN Kinh doanh vàng Kim Hoàn - Hằng, ông Trần Xuân Hoàn vừa là chủ vừa là thợ làm vàng. Ban ngày, ông Hoàn công tác tại HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Đông; tranh thủ những lúc rảnh, ông mới làm ít chỉ vàng khâu để bán. Bà Trần Thị Hằng, vợ ông Hoàn cho hay: ”Các mẫu nhẫn, dây chuyền, lắc tay, hoa tai… bằng vàng tây, chủ yếu chúng tôi lấy từ nơi khác về bán. Riêng nhẫn vàng khâu thì tự sản xuất, rồi đóng nhãn Kim Hoàn - Hằng để khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp”.
Bà Phạm Thị Nga, chủ DNTN Kinh doanh vàng Kim Nga La Hai (thị trấn La Hai, Đồng Xuân) cũng vừa là chủ, vừa là thợ. Trước đây, bà Nga không hề biết các quy định về cấp phép sản xuất vàng TSMN. Chỉ đến khi một doanh nghiệp kinh doanh vàng gần đó rủ đi xin giấy phép, bà mới vội vàng làm thủ tục. Khi kiểm tra, đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên phát hiện một số dụng cụ mà doanh nghiệp đăng ký trong hồ sơ không có trong thực tế. Bà Nga phân trần: “Vì không biết quy trình, thủ tục thế nào nên tôi đã “copy” lại hồ sơ của doanh nghiệp bạn và gửi đến Ngân hàng Nhà nước để đăng ký”. Theo bà Nga, vì vừa làm vừa bán vàng nên mỗi ngày, bà sản xuất được vài chỉ vàng y để cung cấp cho những khách quen có nhu cầu; riêng vàng tây thì phải nhập về chứ không tự sản xuất được.
Mặc dù khó khăn nhưng hầu hết các chủ DNTN kinh doanh vàng ở Phú Yên đều muốn được cấp phép sản xuất vàng TSMN để được đóng thương hiệu của mình lên sản phẩm. Theo ông Huỳnh Tấn Trung, chủ DNTN vàng Ngọc Trung ở chợ Phú Nhiêu thì tâm lý khách hàng khi đến mua vàng cần sự bảo chứng nên doanh nghiệp phải làm vậy để giữ uy tín. Còn nếu lấy vàng của doanh nghiệp khác về bán thì phải phụ thuộc vào việc doanh nghiệp đó có muốn bán hay không, nhất là khi giá vàng lên xuống thất thường.
KHÔNG CẤP PHÉP TRÀN LAN
Hiện toàn tỉnh có 139 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, sản xuất vàng TSMN. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên chỉ nhận được 98 hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng TSMN; trong số này, đã có 21 doanh nghiệp được cấp phép, 77 doanh nghiệp còn lại đang xem xét. Ông Nguyễn Văn Hàn, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho biết: Đơn vị đang phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh kiểm tra điều kiện sản xuất vàng TSMN của các doanh nghiệp có nhu cầu cấp phép hoạt động. Qua khảo sát, đoàn công tác nhận thấy đa số các DNTN kinh doanh vàng có quy mô nhỏ, quy trình sản xuất đơn giản, chủ doanh nghiệp lại thường “quên” kiểm định cân điện tử đo khối lượng vàng... Theo quy định, doanh nghiệp chỉ cần có giấy phép đăng ký kinh doanh, có địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho việc sản xuất vàng TSMN… là đủ điều kiện được cấp phép. Tuy nhiên, với quy mô quá nhỏ, hoạt động sản xuất không đáng kể, thì việc quản lý sau cấp phép sẽ rất khó khăn.
Theo ông Hàn, sau đợt kiểm tra, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên sẽ chọn những doanh nghiệp có quy mô tương đối, mang tính chất phân vùng, phân bố đều ở các khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh để cấp phép chứ không tập trung ở trung tâm thành phố, thị xã và cũng không cấp phép tràn lan. Các doanh nghiệp sau khi được cấp phép phải báo cáo định kỳ doanh số sản xuất, mua bán hàng quý. Từ ngày 1/6/2014, khi Thông tư 22 về quản lý chất lượng vàng TSMN lưu thông trên thị trường có hiệu lực, doanh nghiệp sản xuất loại vàng này phải thực hiện đầy đủ quy định về hàm lượng vàng, công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn đối với từng sản phẩm... Riêng các doanh nghiệp không được cấp phép mà vẫn tiếp tục sản xuất, đóng nhãn hiệu của doanh nghiệp lên vàng TSMN và bày bán, nếu cơ quan có thẩm quyền phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm.
LÊ HẢO