Với sự nhất trí về mục tiêu nâng tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của thế giới thêm ít nhất 2% (tương đương khoảng 2.000 tỉ USD) trong 5 năm tới so với mức hiện tại, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các Ngân hàng trung ương của Nhóm 20 nước phát triển và nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc tại Sydney (Úc) ngày 23/2 đang mang lại hy vọng mới cho nền kinh tế thế giới vẫn đang trong quá trình hồi phục một cách khó khăn.
Các nước G20 - chiếm khoảng 85% kinh tế thế giới - tin rằng mục tiêu trên là "thực tế", có thể đạt được thông qua tăng cường đầu tư, tạo thêm việc làm và thúc đẩy thương mại. Đây là lần đầu tiên các nước G20 đề ra mục tiêu tăng trưởng bằng một con số cụ thể kể từ khi G20 được thành lập vào năm 2008, ngay sau khi cuộc khủng hoảng tài chính- tiền tệ thế giới xảy ra, cho thấy họ đang thoát khỏi mô hình kinh tế với ưu tiên hàng đầu là kiểm soát khủng hoảng và tin tưởng sẽ vượt qua những bất ổn kinh tế thế giới hiện nay. Theo dự đoán trước đó của IMF, kinh tế thế giới sẽ đạt mức tăng trưởng 3,75% năm 2014 và 4% năm 2015.
Tiến triển đạt được
Hội nghị G20 lần này đã nhất trí ấn định mục tiêu đưa tăng trưởng lên thêm 2% từ nay đến năm 2018, qua việc “triển khai các chính sách tham vọng nhưng thực tiễn” trong bối cảnh Cục Dự trữ LB Mỹ (Fed) tiến hành cắt giảm chương trình mua tài sản khổng lồ đang tác động bất lợi tới các thị trường mới nổi và làm giảm triển vọng của kinh tế toàn cầu.
Nhằm trấn an các nước mới nổi đang lo ngại về hậu quả chính sách tiền tệ của Mỹ, các Ngân hàng trung ương G20 tái cam kết sẽ “xem xét thận trọng và thông báo rõ ràng” chính sách tiền tệ của mình, quan tâm đến tác động của các quyết định lên “nền kinh tế thế giới”. Việc Fed chấm dứt dần chính sách hỗ trợ kinh tế đã gây ra việc vốn đầu tư từ các nước mới nổi bắt đầu quay về Mỹ, khiến đồng tiền của các nước này bị mất giá.
Bộ trưởng Ngân khố Úc Joe Hockey nhận định, việc các nước G20 nhất trí về bất kỳ mục tiêu nào là một bước tiến đáng chú ý đối với G20 vốn không có được sự đồng thuận về các mục tiêu tài khoản vãng lai và tài khóa. Đây cũng là một sự thay đổi lớn khi các cuộc gần đây vẫn xảy ra bất đồng về sự tập trung sẽ hướng vào tăng trưởng và thắt chặt chi tiêu. Ông Hockey hối thúc các bộ trưởng nhất trí nâng mục tiêu tăng trưởng, lấy đầu tư vào khu vực tư nhân là trọng tâm chính, đồng thời cho rằng các nước cần phải tiến hành cải cách cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng đồng thời áp dụng các biện pháp cụ thể đẩy mạnh đầu tư, thương mại, sự cạnh tranh và cơ hội việc làm.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew nhấn mạnh rằng G20 cần để lại những tranh luận về vấn đề thắt chặt chi tiêu và tập trung hoàn toàn vào tăng trưởng. Theo ông Jack Lew, các thị trường mới nổi phải có những sáng kiến để ổn định nền tài chính công và thi hành những cải cách hệ thống.
Trong vai trò trọng tài, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng khuyến cáo các quốc gia này nên áp dụng một tỉ lệ hối đoái linh hoạt để có thể đối phó tốt hơn trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Cũng tại hội nghị lần này, Ủy ban châu Âu (EC) nhận định rằng việc các nước G20 thông qua tiêu chuẩn trao đổi tự động các dữ liệu thuế khóa do Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) đưa ra, mà 42 quốc gia cam kết sẽ áp dụng, là "một bước tiến lớn". trong bối cảnh trốn thuế vẫn là một vấn nạn mang tính toàn cầu.
Theo Tổng thư ký OECD Angel Gurria, tiêu chuẩn này sẽ “tăng cường sự hợp tác về thuế khóa quốc tế, đặt các chính phủ ở vị trí bình đẳng trong khi tìm cách bảo vệ sự toàn vẹn của hệ thống thuế khóa và giúp đấu tranh chống trốn thuế.” Việc áp dụng các tiêu chuẩn này dựa trên thiện chí của các nước liên quan sẽ khởi đầu từ cuối năm 2015.
Thách thức phía trước
Một vài quan chức tại Hội nghị G20 lần này tỏ ra lo ngại về đề xuất nâng cao mức tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Thứ trưởng Nam Phi Nhlanhla Nene, cho rằng mục tiêu trên sẽ là vô nghĩa nếu các vấn đề mà những nền kinh tế mới nổi đang phải đối mặt hiện nay như bất bình đẳng, tỉ lệ thất nghiệp cao và tình hình tài chính toàn cầu dễ biến động chưa được giải quyết.
Còn Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici đánh giá cao đề xuất nâng mức tăng trưởng kinh tế thế giới trên cho dù lo ngại về tính khả thi của nó. Hội nghị cũng thảo luận về tác động của việc Fed thu hẹp chương trình mua tài sản mà các nước mới nổi cho rằng đã dẫn tới tình trạng các dòng vốn đầu tư bên ngoài đã rút khỏi nền kinh tế của họ. Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Indonesia - Nhóm 5 quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất (F5) đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai khổng lồ và tỉ lệ lạm phát cao kỷ lục, yêu cầu Chủ tịch Fed Janet Yellen xem xét thận trọng tiến độ thu hẹp quy mô chương trình trên.
Theo các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Natixis, các nước này sẽ phải giảm 10% nhập khẩu và điều đó dẫn đến việc giảm 0,5% thương mại quốc tế. Đồng tiền của các quốc gia mới trỗi dậy bị mất giá, cũng làm cho các nhà đầu tư nước ngoài thất thu 30 tỉ USD. Tuy vậy, Mỹ và một số nền kinh tế phát triển hối thúc các nền kinh tế mới nổi đẩy mạnh những cải cách cơ cấu như giảm bớt mức thâm hụt tài khoản vãng lai. Hồi cuối tháng 1/2014, đồng tiền của các quốc gia mới nổi có mức thâm hụt tài khoản vãng lai cao đã đứng trước sức ép giảm giá mạnh, khi có những lo ngại gia tăng về khả năng trả khoản nợ bằng USD hay các ngoại tệ mạnh khác của họ.
Còn về vấn đề cải cách của IMF cũng như nâng cao vai trò của các nền kinh tế mới nổi trong các quyết định của tổ chức này, G20 tỏ ý "rất lấy làm tiếc" vì đã không đạt được tiến triển tích cực và kêu gọi Quốc hội Mỹ phê chuẩn những cải cách của IMF trước khi cuộc họp tiếp theo của các nhà hoạch định chính sách G20 diễn ra vào tháng 4 tới.
Theo TTXVN