Thứ Bảy, 05/10/2024 02:23 SA
Thi công đường làm nứt nhà dân:
Nhà thầu chậm bồi thường
Thứ Bảy, 01/03/2014 09:23 SA

Khi thi công đường tránh trú bão Sông Cầu - Đồng Xuân qua thôn Bình Nông, xã Xuân Lâm, TX Sông Cầu (ĐT644), nhà thầu đã cho nổ mìn, phá đá, gây rạn nứt nhiều nhà dân. Sự việc xảy ra từ năm 2012 nhưng đến nay, người dân vẫn chưa được đền bù thỏa đáng.

 

vet-nut140301.jpg

Các vết nứt xuất hiện tại nhà bà Đào Thị Lan sau khi đơn vị thi công cho nổ mìn- Ảnh: L.HẢO

THẤP THỎM… SỢ NHÀ SẬP

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Lâm cho biết: Năm 2012, chi nhánh Tổng công ty cổ phần Tập đoàn kinh tế Xuân Thành tại Phú Yên đã cho nổ mìn phá đá để thi công đường tránh trú bão Sông Cầu - Đồng Xuân đoạn qua trụ sở UBND xã Xuân Lâm. Sức ép của mìn đã làm nứt nhà của 12 hộ dân ở gần đó. Không chỉ có những nhà dân xây lâu năm mà cả nhà của các hộ mới xây cũng bị ảnh hưởng. Nhà ít thì 2, 3 vết nứt, nhà nhiều lên đến hơn chục vết nứt.

Trong số các trường hợp bị thiệt hại thì nhà bà Đào Thị Lan có đến 12 vết nứt dọc, ngang, xiên ở gần cửa sổ, cửa chính, tường nhà; đặc biệt có nhiều vết nứt thẳng đứng chạy từ mái đến nền rộng từ 0,2mm đến 2mm trên mặt ngoài tường. Theo đánh giá của đơn vị giám định thiệt hại, nhà bà Lan có 5 vết nứt lớn, ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của tường, cần phải có biện pháp khắc phục. Bà Đào Thị Lan cho biết: “Khi đơn vị thi công nổ mìn, tôi có cảm giác như bị động đất nên rất sợ, mấy mẹ con túm tụm vào một chỗ. Chồng tôi đã mất vào đợt lũ lịch sử năm 2009, hiện gia đình chỉ còn tôi và các con nên khi nhà có nhiều vết nứt, chúng tôi vô cùng hoang mang, sợ nhà sập bất ngờ thì trở tay không kịp. Chỉ cần trời mưa to, nước lớn là mấy mẹ con phải đi ở nhờ nhà họ hàng, chờ trời êm mới về nhà. Mẹ góa con côi, nhà cửa lại không an toàn, vậy mà đến nay gia đình vẫn chưa nhận được tiền đền bù cho thỏa đáng”.

Còn ông Lê Quốc Phương thì vừa xây lại nhà sau đợt bão lũ năm 2007. Nhà chưa ở được bao lâu đã bị rạn nứt do nổ mìn làm đường. Ông Phương bức xúc: “Vợ chồng tôi phải gom góp hết tiền bạc và vay mượn thêm mới xây được nhà mới. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, nhà mới ở chưa lâu đã bị nứt. Điều đáng nói là trước khi nổ mìn, các bên liên quan có đi kiểm tra hiện trạng nhà cửa của dân, thống nhất khi dân đồng ý mới tiến hành; thế nhưng sau đó thông báo buổi sáng, buổi trưa mìn đã nổ. Giờ nhiều nhà dân bị nứt mà cách tính đền bù không biết căn cứ vào quy định nào? Bao giờ mới được đền bù? Nhà ngày càng xuống cấp, chỗ nứt có dấu hiệu to hơn làm người dân thấp thỏm sợ nhà sập. Chúng tôi không muốn gây khó cho nhà thầu nhưng họ phải làm sao cho thỏa đáng mới được”.

YÊU CẦU GIÁM ĐỊNH LẠI CÁC VẾT NỨT

Điều lạ là hơn 1 năm sau khi sự việc xảy ra, Công ty cổ phần Năng lượng Việt Nam chi nhánh miền Trung, đơn vị giám định mới có báo cáo đánh giá tình trạng công trình hư hỏng do ảnh hưởng của quá trình thi công dự án Đường tránh trú bão Sông Cầu - Đồng Xuân và xác định số tiền đền bù thiệt hại cho 12 hộ dân là 52,2 triệu đồng. Sau khi người dân phản ứng về việc đền bù quá thấp, đơn vị này lại “nâng” giá đền bù lên hơn 91 triệu đồng. Mới đây, qua làm việc giữa những trường hợp bị ảnh hưởng với các đơn vị liên quan thì trong số 12 hộ dân bị ảnh hưởng, chỉ có hộ ông Trần Văn Đô thống nhất theo mức giá bồi thường trong dự toán, các hộ còn lại yêu cầu giám định lại các vết nứt do nổ mìn gây ra. Theo những hộ gia đình này, các vết nứt do nổ mìn khá nhiều nhưng kiểm kê, áp giá không đúng với thực tế.

Ông Thái Mạnh Cường, đại diện chi nhánh Tổng công ty cổ phần Tập đoàn kinh tế Xuân Thành tại Phú Yên giải thích: Lúc đơn vị thi công nổ mìn, gây ảnh hưởng đến nhà dân, người dân đã ra cản, không cho chúng tôi tiếp tục triển khai công trình. Nhà thầu đã tiến hành kiểm kê hiện trạng, thỏa thuận với dân sau khi thi công xong sẽ kiểm tra mức độ thiệt hại lần cuối để trả tiền đền bù; khi đó, dân mới đồng ý cho chúng tôi làm tiếp. Không hiểu sao, một thời gian sau, người dân lại sợ nhà sập nên không cho nổ mìn nữa và yêu cầu đơn vị giám định vào kiểm kê. Chính vì vậy mà sau khi kiểm tra hiện trường lần đầu tiên vào ngày 4/4/2012, đến ngày 25/10/2013, chúng tôi mới xác định thiệt hại nhưng người dân vẫn chưa đồng ý mức bồi thường nên hiện đơn vị bảo hiểm công trình vẫn chưa thể trả tiền đền bù cho dân.

Theo ông Nguyễn Khoa Khanh, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Chuyên ngành giao thông Phú Yên, sau khi sự cố xảy ra, chủ đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu khẩn trương xác định thiệt hại, giải quyết bồi thường cho dân. Ban quản lý dự án Chuyên ngành giao thông Phú Yên cũng yêu cầu từ giờ trở về sau, đối với đường tránh trú bão Sông Cầu - Đồng Xuân đoạn qua trụ sở UBND xã Xuân Lâm, nhà thầu sẽ không thi công bằng biện pháp nổ mìn nữa mà sẽ dùng xe đào có dung tích lớn, búa đập… để phá đá. Mặc dù làm vậy, nhà thầu sẽ tốn kém hơn, tiến độ thi công cũng kéo dài hơn nhưng sẽ không ảnh hưởng đến nhà dân.  

L.HẢO - H.TRUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek