Cùng góp sức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, ngành Ngân hàng Phú Yên đã chuyển dịch cơ cấu tín dụng đúng hướng, ưu tiên vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đặc biệt là cho các xã điểm XDNTM. Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Khố, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho biết:
Nhiều hộ nông dân ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới được vay vốn sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống. Trong ảnh: Chăm sóc rau ở xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) - Ảnh: L.HẢO
Đến hết năm 2013, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh là 487 tỉ đồng, tăng hơn 27% so với cuối năm 2012; chủ yếu tại Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Phú Yên với dư nợ 223 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 45,8% và Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên với 264 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ hơn 54%. Tại các xã điểm XDNTM, ngân hàng tập trung cho vay hộ sản xuất kinh doanh, hộ nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng nhà ở.
* Việc tiếp cận vốn của người dân ở các xã điểm XDNTM ra sao, thưa ông?
- Năm qua, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên định hướng cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ưu tiên cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn nông dân gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Theo đó, việc tiếp cận vốn của các hộ dân ở những xã điểm XDNTM cũng có kết quả khả quan. Đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 23.920 hộ nông dân vay, trong đó số hộ vay sản xuất kinh doanh tăng 2.868 hộ so với năm 2012, tức tăng 43,4%. Các tổ chức tín dụng ở Phú Yên cũng hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn vay vốn sản xuất, góp phần cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững, hướng đến tăng thu nhập bình quân cho khu vực nông thôn.
* So với tổng dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh thì dư nợ cho vay XDNTM còn khá khiêm tốn. Việc này có gặp những khó khăn gì, thưa ông?
- Việc cho vay vốn XDNTM gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân đầu tiên là do món vay nhỏ, bình quân mỗi hộ sản xuất, kinh doanh được vay 32 triệu đồng, xây dựng nhà ở 22 triệu đồng, hộ nghèo khoảng 16 triệu đồng. Thêm vào đó, chi phí cao, lãi suất cho vay thấp, đối tượng vay vốn gặp nhiều rủi ro do tác động của thời tiết nên việc phát triển quy mô dư nợ thường hạn chế. Dư nợ cho vay XDNTM cũng chỉ tập trung cao ở một vài chương trình và một số địa bàn dân cư như các huyện Sơn Hòa, Phú Hòa, Tây Hòa. Hiện các khoản vay này chủ yếu là tín chấp với mức vay hạn chế. Người dân muốn vay cao hơn sẽ khó khăn vì hầu hết nhà ở của các hộ gia đình ở vùng nông thôn chưa có giấy chứng nhận sở hữu nhà ở gắn liền với đất, không thể sử dụng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hạn chế tăng trưởng tín dụng XDNTM ở Phú Yên.
* Thời gian tới, ngành Ngân hàng Phú Yên làm cách nào để đáp ứng nhu cầu vốn trong lĩnh vực này?
- Theo nhận định của lãnh đạo các ngân hàng thương mại ở Phú Yên, những khoản vay trong lĩnh vực XDNTM là khó triển khai, lợi nhuận không cao nhưng có ưu điểm là khá an toàn, ổn định, ít rủi ro vì các khoản vay thường nhỏ và không tập trung. Vì vậy, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên định hướng các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng dư nợ tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh ở Phú Yên như nuôi trồng, đánh bắt, chếbiến nông, lâm thủy sản xuất khẩu; ưu tiên vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình XDNTM của tỉnh...
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên còn là đầu mối gắn kết giữa các tổ chức tín dụng, Hội Doanh nghiệp, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhằm tạo cầu nối để sản phẩm của nông dân đến với doanh nghiệp. Khi sản xuất nông nghiệp đã tập trung vào những cánh đồng mẫu lớn hay sản phẩm nông, lâm, thủy sản được đưa vào các nhà máy chế biến xuất khẩu thì bình quân khoản vay cho các hộ dân không còn là những món vay nhỏ lẻ mà quy mô vốn vay có thể tăng thêm; bình quân thu nhập các hộ gia đình sẽ tăng thêm. Hiện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cũng đang đề nghị cấp trên nới rộng mức cho vay tín chấp đối các hộ vay sản xuất, kinh doanh để người dân có điều kiện mở rộng quy mô hoạt động, tăng thêm thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
LÊ HẢO (thực hiện)