Sau 4 năm thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã mang lại hiệu quả xã hội thiết thực, người tiêu dùng càng tin dùng hàng Việt. Báo Phú Yên ghi lại ý kiến của một số đại biểu tại hội nghị triển khai cuộc vận động này năm 2014.
PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH NGUYỄN NGỌC ẨN: Việc sử dụng hàng Việt thể hiện lòng tự tôn dân tộc
Sau 4 năm thực hiện cuộc vận động, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ hàng hóa địa phương như tổ chức hội chợ, các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình bình ổn giá vào dịp Tết Nguyên đán, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu… Qua đó, ý thức tiêu dùng hàng Việt ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thủ công nên còn tồn tại hàng hóa không nhãn mác, hạn sử dụng... Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng chỉ quan tâm đến giá cả mà bỏ qua vấn đề chất lượng, xuất xứ hàng hóa; công tác chống buôn lậu còn khó khăn nên hàng lậu, hàng giả, nhái còn đất sống. Do vậy, trong thời gian tới, Ban chỉ đạo cuộc vận động tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền sâu rộng hơn để người Việt Nam xem việc tiêu thụ hàng Việt không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm mà còn thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
PHÓ CHỦ TỊCH UBMTTQ VIỆT NAM TỈNH LÊ ĐỦ: Cần có đối thoại giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao uy tín thương hiệu sản phẩm. Trong khi đó, “Đưa hàng Việt về nông thôn” tạo điều kiện cho người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận với hàng Việt, đánh giá đúng về chất lượng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất; từ đó định hướng, khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt. Hiện trên thị trường Phú Yên có trên 70% hàng hóa sản xuất trong nước được bày bán ở các siêu thị, chợ truyền thống; hơn 80% người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam, trong đó trên 50% người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam chất lượng cao.
Tuy nhiên, hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở một số địa phương và doanh nghiệp chưa thực sự sâu rộng; nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến việc tuyên truyền quảng bá sản phẩm. Trong thời gian tới, các đơn vị cần chủ động tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng để doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, quy trình sản xuất, chất lượng hàng hóa, mẫu mã sản phẩm… trực quan, sinh động hơn.
PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG NGUYỄN THỊ KIM BÍCH: Nhà sản xuất phải chủ động chinh phục thị trường nội địa
Trong điều kiện giao thương quốc tế mở rộng, hàng hóa các nước vào Việt Nam rất đa dạng, phong phú và có giá cả cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam muốn tồn tại, phát triển thì phải nâng cao chất lượng hàng hóa, hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu này. Ở một số lĩnh vực, các doanh nghiệp chủ yếu khai thác thị trường nước ngoài trong khi bỏ trống một thị trường rộng lớn trong nước, để hàng hóa nước ngoài chiếm lĩnh. Do đó, ngoài việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về việc sử dụng hàng Việt thì bản thân các doanh nghiệp sản xuất cũng phải chủ động tiếp cận, khai thác thị trường nội địa.
Tại Phú Yên, số doanh nghiệp sản xuất hàng hóa rất ít; phần nhiều là các đại lý tiêu thụ. Trong khi đó, kinh phí xúc tiến thương mại còn hạn chế nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia. Năm 2014, Sở Công thương sẽ tổ chức một hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao tại tỉnh. Trong dịp này, đơn vị sẽ làm việc với một số nhà sản xuất, hỗ trợ họ tổ chức mạng lưới tiêu thụ tại Phú Yên, đặc biệt là tại các chợ truyền thống nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận được với nhiều hàng Việt Nam chất lượng cao.
GIÁM ĐỐC SIÊU THỊ CO.OPMART TUY HÒA NGUYỄN BÍCH LY: Co.opMart thành công là nhờ kinh doanh hàng Việt
Với phương châm nội địa hóa các mặt hàng kinh doanh thông qua việc đồng hành cùng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Siêu thị Co.opMart luôn khuyến khích, động viên người tiêu dùng sử dụng hàng Việt Nam. Đơn vị luôn tạo điều kiện cho các nhà sản xuất nội địa về vị trí trưng bày, tham gia các chương trình khuyến mãi, hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện truyền thông của Co.opMart. Hiện hơn 90% hàng hóa kinh doanh tại Co.opMart là hàng Việt Nam chất lượng cao.
Từ năm 2010 đến nay, doanh nghiệp đã thực hiện gần 230 đợt bán hàng lưu động, phục vụ cho gần 350.000 khách hàng với doanh thu trên 16 tỉ đồng. Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa cũng dành một khu vực trưng bày hàng hóa địa phương để tạo điều kiện cho hàng địa phương được bày bán tại siêu thị.
Sau 4 năm thực hiện cuộc vận động, người dân ngày càng có ý thức tiêu dùng hàng Việt. Nhờ vậy, việc kinh doanh của hệ thống Co.opMart ngày càng thuận lợi hơn. Có thể nói, những thành công của Co.opMart hiện nay là do kiên trì kinh doanh hàng Việt Nam chất lượng cao và nhận được sự ủng hộ của khách hàng.
NGÔ XUÂN (thực hiện)