Sau hơn 10 năm được xem là tỉnh “sạch” với cúm gia cầm thì nay tại Phú Yên, dịch bệnh nguy hiểm này đã xuất hiện. Trong lúc các ngành chức năng lo ngại về khả năng lây lan của dịch cúm gia cầm thì nhiều người vẫn rất thờ ơ.
Giết mổ gia cầm tại chợ Tuy Hòa - Ảnh: S.CA
Theo Cục Thú y, cả nước đã phát hiện 64 ổ dịch tại 16 tỉnh, thành, gồm: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Cần Thơ và Vĩnh Long. |
T
ại Phú Yên, dịch cúm gia cầm đã được phát hiện trên đàn vịt thịt 2 tháng tuổi, với khoảng 2.000 con của hộ ông Huỳnh Tấn Thành và ông Nguyễn Hà ở thôn Thạch Tuân 2, xã Hòa Xuân Đông (Đông Hòa). Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm (H5N1), địa phương đã phối hợp với Chi cục Thú y tiến hành tiêu hủy toàn bộ số gia cầm.Ông Đào Lý Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Ngành Thú y đang phối hợp với UBND huyện Đông Hòa và xã Hòa Xuân Đông giám sát chặt ổ dịch cúm gia cầm trên, không cho bất kỳ người nào ra vào vùng dịch, cắm biển thông báo dịch tại ổ dịch, tổ chức phun thuốc tiêu độc sát trùng môi trường 1 lần/ngày. Đồng thời đơn vị cũng tổ chức tiêm phòng đối với đàn gia cầm trong vùng bị dịch uy hiếp, cấp thuốc sát trùng cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn để tiêu độc môi trường thường xuyên nhằm hạn chế dịch bệnh phát tán, lây lan… Ông Nhĩ khẳng định, mặc dù tại Phú Yên dịch cúm gia cầm đã được khống chế và kiểm soát, nhưng trước tình hình dịch bệnh đang bùng phát tại nhiều tỉnh, thành như hiện nay thì nguy cơ dịch lây lan trên địa bàn cũng rất cao. Để phòng chống dịch hiệu quả, cần có sự phối hợp từ nhiều cấp, ngành, đặc biệt là ý thức của người dân.
Trong khi các ngành chức năng đang rất lo ngại về khả năng lây lan và bùng phát của dịch cúm gia cầm thì nhiều người dân vẫn rất thờ ơ. Điều này dễ nhận thấy rõ tại các khu chợ mua bán gia cầm sống trên địa bàn. Tại chợ Tuy Hòa, nhiều ngày nay việc mua bán, giết mổ gia cầm chưa qua kiểm dịch vẫn diễn ra bình thường. Người mua, người bán vẫn không sử dụng một dụng cụ bảo hộ nào kể cả khẩu trang. Bà Loan, một người bán gia cầm ở đây cho hay: “Chúng tôi có biết đang xảy ra dịch cúm gia cầm, nhưng dịch chỉ có ở Đông Hòa, còn ở đây chúng tôi toàn bán gà, vịt được mua từ Phú Hòa, Tây Hòa thôi, đảm bảo chất lượng, không dịch bệnh gì cả”. Khi chúng tôi thắc mắc số gà, vịt này đã được thú y kiểm dịch chưa, chủ sạp bán gà bên cạnh giải thích: Gà chúng tôi bán toàn mua gom từ các hộ nuôi thả vườn nên rất bảo đảm, không bị dịch bệnh đâu, cần gì kiểm dịch. Không những thế, hiện dịch vụ giết mổ gà, vịt ngay tại chợ vẫn hoạt động, vừa mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường lại có nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm sang người”(!?).
Tình trạng trên không chỉ diễn ra ở chợ Tuy Hòa, mà còn tại nhiều khu chợ khác như chợ phường 9, phường 7… Ông Nguyễn Chí Xanh, Trưởng Ban quản lý chợ Tuy Hòa cho biết: Hiện nay, tại chợ có 11 hàng chuyên mua bán gia cầm sống dọc tuyến đường Lương Văn Chánh, 12 hộ mua bán gia cầm đã qua giết mổ tại khu hàng thực phẩm và khoảng 10 hộ làm nghề giết mổ gia cầm. Từ khi có thông tin xảy ra dịch cúm gia cầm cho đến nay, tại chợ Tuy Hòa vẫn chưa có đơn vị nào phối hợp để tổ chức phun thuốc tiêu độc cũng như kiểm soát tình hình mua bán gia cầm tại chợ.
Trong khi đó, nhằm khống chế dịch cúm gia cầm và không để dịch bệnh lây lan sang người, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đã yêu cầu các địa phương phải tách riêng khu vực bán gia cầm sống và giết mổ gia cầm; vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực bán và giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm sau mỗi buổi chợ; vệ sinh và khử trùng phương tiện, dụng cụ vận chuyển, chứa đựng gia cầm, sản phẩm gia cầm. Rõ ràng hoạt động mua bán, giết mổ gia cầm chưa qua kiểm dịch diễn ra tại các chợ là một thách thức đối với công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và bảo vệ sức khỏe của con người.
SƠN CA