Để phục vụ xây dựng các công trình thủy điện, tỉnh Phú Yên mất hơn 3.546ha đất rừng, chuyển mục đích sử dụng gần 300ha; buộc các doanh nghiệp kinh doanh thủy điện phải trồng mới lại hơn 350ha để góp phần bảo đảm cân bằng môi trường sống, hạn chế tác hại của thiên tai… Tuy nhiên, việc trồng rừng thay thế chưa được các đơn vị này thực hiện nghiêm túc, thậm chí chây ỳ kéo dài thời gian.
Chủ đầu tư của Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ chỉ mới trồng 12,9ha trong tổng số gần 205ha rừng phải rồng sau khi xây dựng nhà máy - Ảnh: P.NAM
CHẬM TRỒNG RỪNG, CHÂY Ỳ ĐÓNG QUỸ
Theo Chi cục Lâm nghiệp thuộc Sở NN-PTNT Phú Yên, sau khi hoàn thành dự án, Công ty cổ phần VRG Phú Yên (Thủy điện La Hiêng 2) phải trồng 85,76ha rừng, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ (Thủy điện Sông Ba Hạ) trồng gần 205ha, Công ty cổ phần Sông Ba (Thủy điện Krông H’Năng) trồng 39,31ha, Công ty 577 (Thủy điện Đá Đen) trồng 20,8ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ trồng được 12,9ha, các công ty còn lại gần như chưa có động tĩnh gì. Ông Huỳnh Xuân Quang, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp cho biết, các đơn vị làm thủy điện không có chuyên môn trồng rừng, thường gặp khó khăn trong tìm kiếm đất để trồng rừng thay thế, dẫn đến tiến độ trồng rừng chậm, chất lượng rừng không cao, phải trồng dặm lại nhiều lần. Vì vậy, các doanh nghiệp thủy điện phải chuyển kinh phí cho các ngành chức năng của tỉnh để thực hiện, giám sát việc trồng rừng thay thế mang lại hiệu quả, tiến độ nhanh hơn.
Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp kinh doanh thủy điện đang sử dụng nguồn tài nguyên quý giá về dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) có trách nhiệm trả nợ rừng, nhưng vẫn cố tình chậm thực hiện, gây khó khăn cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng hoạt động, mới đây UBND tỉnh tiếp tục yêu cầu Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp các ngành liên quan và địa phương rà soát các dự án đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp có rừng sang mục đích khác. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư phải trồng lại rừng theo đúng quy định tại Thông tư số 24 ngày 06/5/2013 của Bộ NN-PTNT. Đối với các dự án đầu tư được phê duyệt, đã chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp có rừng sang mục đích khác, chủ đầu tư phải trồng rừng thay thế ngay trong năm 2014 và hoàn thành toàn bộ trong năm 2015.
Thế nhưng, đến thời điểm này, các thủy điện trên địa bàn tỉnh mới chỉ đóng được 2 tỉ đồng vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ và Công ty cổ phần Sông Ba đã đóng quỹ nhưng chưa đầy đủ và thường xuyên; riêng Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (Thủy điện Sông Hinh) nợ khoảng 10 tỉ đồng, hiện chưa đóng quỹ. Đối với Nhà máy Thủy điện Sông Hinh đến nay vẫn chưa thực hiện việc chi trả tiền DVMTR theo hợp đồng ủy thác tiền chi trả DVMTR giữa Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF) với Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh cho 2 tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk với số tiền hơn 24 tỉ đồng. Mặc dù từ ngày 7/8/2013, UBND tỉnh đã có Văn bản số 2528 yêu cầu Công ty cổ phần Vĩnh Sơn - Sông Hinh thanh toán tiền DVMTR các năm 2011, 2012, quý 1 và quý 3/2013, nhưng cho đến nay công ty này vẫn chưa chi trả tiền ủy thác DVMTR cho VNFF, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện tiền chi trả DVMTR cho các chủ rừng ở địa phương năm 2013 mà UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch thu, chi tiền chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Mai Tấn Lên, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, việc chậm trễ, chây ỳ đóng quỹ của các đơn vị làm thủy điện gây khó khăn trong hoạt động chi trả DVMTR, ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ và phát triển rừng.
TĂNG CƯỜNG TRỒNG RỪNG THAY THẾ
Thủ tướng Chính phủ vừa ra chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo thực hiện trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sửdụng khác. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí đủ đất để thực hiện các dự án trồng lại rừng thay thế trên địa bàn. Trường hợp địa phương không có hoặc không còn đủ quỹ đất thì yêu cầu chủ đầu tư nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng theo quy định tại Nghị định số 05 ngày 14/1/2008 của Chính phủ về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam để Bộ NN-PTNT bố trí trồng rừng ở địa phương khác. Bộ NN-PTNT, các bộ, ngành, UBND địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác; xửlýnghiêm đối với chủ đầu tư không trồng lại rừng theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu vào tháng 1 hàng năm, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đánh giá việc thực hiện trồng rừng mới thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sửdụng khác, để Bộ NN-PTNT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ NN-PTNT phải hướng dẫn cụ thể việc trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sửdụng khác; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc trồng lại rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sửdụng rừng khác; hằng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện. Các bộ, ngành liên quan, trong phạm vi trách nhiệm của mình, phối hợp với Bộ NN-PTNT và UBND các địa phương đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc trồng lại rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác.
PHƯƠNG NAM