Trong năm qua, Sông Hinh đã triển khai việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất có hiệu quả. Qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Ma Nhe (trái) thăm vườn cao su, nguồn lợi kinh tế cao của gia đình - Ảnh: V.THÙY
Gia đình Ma Nhe - Mí Nhe ở buôn Ken (xã Ea Bá) những năm trước đây thuộc diện khó khăn của địa phương. Hằng ngày, 2 vợ chồng anh với cái gùi, cái rựa, đầu tắt mặt tối trên nương rẫy nhưng cũng chẳng đủ ăn. Nhưng giờ đây, cuộc sống gia đình Ma Nhe đã chuyển sang một trang mới bởi sự mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trong sản xuất; phần lớn diện tích đất rẫy của gia đình anh đã được chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế như sắn, bắp lai, mía. Gùi và rựa tạm gác lại nhường chỗ cho máy cày máy kéo, giúp cái đầu Ma Nhe được rảnh rỗi để tính toán cho việc bón phân, vun gốc, học tập áp dụng khoa học kỹ thuật, lịch thời vụ… Nỗ lực đó giúp năng suất cây trồng năm sau cao hơn năm trước, nhờ vậy, Ma Nhe ngày càng có nhiều tiền trang trải cuộc sống gia đình và mua máy móc phục vụ sản xuất, con cái được học hành. Ma Nhe khoe: “2 năm qua, tôi được tuyên dương là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện. Trước kia có nhiều đất nhưng không biết làm nên chẳng đủ ăn. Giờ thì khác rồi, được học tập kỹ thuật, có giống mới năng suất cao, chỉ vài năm mình đã làm được ngôi nhà sàn truyền thống hơn 500 triệu đồng”.
Đến nay ở Sông Hinh đã có hàng ngàn hộ dân làm ăn vươn lên thoát nghèo giống như gia đình Ma Nhe. Được như vậy là nhờ địa phương tích cực hướng dẫn họ trồng các cây công nghiệp ngắn ngày như mía, sắn, bắp lai... Trước đây, từ vài chục hécta trồng thí điểm, đến nay toàn huyện đã có 10.000ha sắn, hơn 3.000ha mía mang lại lợi nhuận hàng chục triệu đồng/ha cho nông dân.
Bên cạnh các cây công nghiệp ngắn ngày giúp nâng cao thu nhập, cây lúa cũng từng bước giúp người dân góp phần ổn định an ninh lương thực tại chỗ. Y Dung ở buôn Ken là một trong những người tham gia chương trình cánh đồng mẫu lớn và chuyển đổi làm giống lúa lai. Tự tin với những kiến thức đã học, Y Dung áp dụng quy trình thâm canh “3 giảm, 3 tăng”, làm cỏ bón phân theo đúng thời điểm hướng dẫn. Nhờ vậy, trong các vụ vừa qua, lúa của anh có năng suất gần gấp đôi so với lúa thường. Không riêng gì Y Dung, hàng chục hộ đồng bào dân tộc Ê Đê ở các xã Ea Bá, Ea Lâm, Ea Bar, Ea Trol, Ea Bia cũng tham gia trồng lúa lai mang lại hiệu quả đáng kể.
Từ khi cuộc sống khá lên, nhiều người còn đầu tư trồng cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu. Bà Võ Thị Thạnh là một trong số những hộ dân ở thôn Chứ Sai (xã Ea Trol) đã mạnh dạn đăng ký tham gia dự án phát triển cây cao su tiểu điền và được nhận vốn đầu tư, hướng dẫn cách trồng. Bà Thạnh cho biết: “Hiện nhà có gần 3ha cao su, mỗi năm trừ chi phí kiếm trên 100 triệu đồng, nhờ đó mà có điều kiện cho con học đại học”. Ông Phan Công Quyền, Trưởng thôn Chứ Sai cho biết: “Những năm trước đây, đời sống bà con nhân dân trong thôn rất khó khăn. Nhưng từ khi cây cao su cho thu hoạch, nhiều gia đình mua sắm xe máy, mua được đất ở thị trấn làm nhà, cho con học hành. Đến nay dù giá cao su có thấp hơn các năm trước nhưng vẫn không có cây trồng nào hiệu quả bằng”.
Từ những hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại, đến nay ở Sông Hinh có hàng trăm nghìn nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; tỉ lệ hộ nghèo giảm 8,7% trong năm 2013, thu ngân sách địa phương đạt 70 tỉ đồng. Ông Phạm Xuân Lai, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Hinh, cho biết: Để giúp bà con nông dân từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, hội đã phối hợp các ban ngành, đoàn thể thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật như tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, nhân giống đại trà giống sắn mới KM năng suất 40 đến 50 tấn/ha; tuyên truyền mở rộng mô hình trồng mía áp dụng cơ giới hóa. Bên cạnh đó, huyện đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi cây trồng bằng cách cấp giống bắp lai, giống cây cao su, cây tiêu cho hộ nghèo; hỗ trợ 50% tiền giống cho người sản xuất lúa lai... Nhờ vậy bà con yên tâm sản xuất đưa năng suất cây trồng năm sau cao hơn năm trước”.
Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh nói: “Với những kết quả đó, có thể khẳng định huyện Sông Hinh đã có bước đi đúng hướng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tốt tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn thách thức, những kết quả đạt được trong năm qua là điều đáng phấn khởi. Những kết quả bước đầu đó là niềm tự hào, là niềm tin để huyện Sông Hinh tiếp tục phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế của huyện cũng như công cuộc đổi mới của đất nước”.
VĂN THÙY - NGỌC CƯỜNG