Sáng mùng 4 đến mùng 6 Tết Giáp Ngọ, người dân các huyện Đồng Xuân, Tuy An, Phú Hòa và TP Tuy Hòa đã ra đồng đắp bờ, lấy nước, bón phân, phun thuốc đặc trị phòng bệnh đạo ôn.
Nông dân TP Tuy Hòa phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa - Ảnh: H.NAM
Trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, tại cánh đồng Nai, thôn Trung Lương, xã An Nghiệp (Tuy An) có 5ha lúa bị bệnh đạo ôn với tỉ lệ bệnh từ 1 đến 10%. Còn tại TP Tuy Hòa, bệnh đạo ôn phát sinh gây hại 17,2ha lúa ở phường Phú Lâm, phường 9, phường 8 và xã Hòa Kiến. Trong đó có 7ha lúa có tỉ lệ bệnh 3 đến 4%; 10,2ha tỉ lệ bệnh 5 đến 10% lá, trên các giống lúa PY2, IR17494, ML68, TBR36. Trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức hướng dẫn nông dân phun thuốc trừ bệnh đạo ôn trên những diện tích này. Bà Nguyễn Thị Lơn, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật TP Tuy Hòa cho biết, bệnh đạo ôn xuất hiện gây hại nặng tại cánh đồng Cây Da, Cây Duối, Gò Máng (xã Hòa Kiến), bệnh này phát tán bào tử xâm nhập lá lúa, khả năng lây lan nhanh; vì vậy trạm đã hướng dẫn nông dân phun thuốc đặc trị để phòng trừ.
Năm nay bệnh đạo ôn xuất hiện sớm. Ông Nguyễn Trọng Tài ở xã Hòa Kiến cho hay: “Lúa vừa cấy dặm bón phân thì lúa lụn dần rồi đỏ cả cây, chúng tôi nghĩ lúa bị bọ trĩ, phun thuốc không hết. Khi nghe HTX thông báo lúa bị bệnh đạo ôn, mặc dù tết nhưng chúng tôi vẫn tranh thủ ra đồng, phun thuốc đặc trị bệnh đạo ôn”.
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, bệnh đạo ôn gây hại 22,7ha lúa đông xuân giai đoạn đẻ nhánh. Nguyên nhân, đầu vụ thời tiết thuận lợi nên nông dân sạ dày, khi lúa phát triển thì trời lạnh, âm u, sáng sớm có sương nhiều và kéo dài trong nhiều ngày, đây là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch hại phát sinh trên cây lúa. Hiện tại, lúa ở giai đoạn cuối đẻ nhánh - làm đòng nên tán lá phát triển che phủ càng làm tăng độ ẩm trong ruộng, rất phù hợp để bệnh đạo ôn phát sinh gây hại. Ông Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho hay: Khi bệnh đạo ôn phát sinh cần dừng bón phân (đặc biệt là phân có chứa đạm), cần thiết nên bón theo bảng so màu lá lúa. Nếu phát hiện bệnh phát sinh cùng với các điều kiện thời tiết thuận lợi để bệnh phát triển, nông dân dùng các thuốc đặc trị như: Filia, Beam, Fuan, Fuji-one, Trizole,… để phun trừ. Ngoài ra, nông dân còn tổ chức diệt chuột bằng các biện pháp đánh bả bằng thuốc hóa học, sinh học…
Khí thế đầu năm ra đồng chăm sóc lúa đông xuân diễn ra khắp các địa phương trong tỉnh. Tại cánh đồng Trường, thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân), nông dân Nguyễn Văn Xuân be bờ đắp các lỗ mọt, bày tỏ: “Bà con nông dân nắm vững khoa học kỹ thuật áp dụng sạ hàng, sạ thưa nên hiện tại không chỉ ruộng của tôi mà trên cánh đồng này lúa phát triển tốt, không sâu bệnh”. Trên cánh đồng Núi Một (xã Xuân Quang 3), lúa đông xuân đang trong thời kỳ đẻ nhánh. Đây là cánh đồng lúa hưởng dòng nước tự chảy của hồ chứa nước Phú Xuân, những ngày qua, tổ thủy nông đã điều tiết nước về các kênh mương để nông dân dẫn nước vào ruộng bón phân. Ông Trần Văn Thái, nhân viên tổ thủy nông cho hay: “Năm nay, tiết lập xuân vào mùng 5 tết (4/2), nên trước và trong tết tiết trời lạnh, sợ lúa bị bệnh đạo ôn nông dân không dám thúc phân. Hiện nay trời nắng ấm, tranh thủ dẫn nước về để bà con nông dân bón phân cho lúa đẻ nhánh rộ”. Còn ở Phú Hòa, Phòng NN-PTNT huyện hướng dẫn nông dân xã Hòa Định Tây phòng trừ 0,5ha lúa bị bệnh đạo ôn và phát động chiến dịch diệt chuột xuyên suốt vụ bảo vệ mùa màng.
MẠNH HOÀI NAM