Những năm gần đây thị trường rượu luôn “nóng” bởi sự lo lắng của người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp làm ăn chân chính vì thị trường rượu Việt Nam bị thao túng bởi 80% loại hàng không thương hiệu.
Ảnh minh họa: Internet
LẮM CHẾ TÀI VẪN NHIỀU NỖI KHỔ
Mô tả điều được gọi là đã đầy đủ chế tài quản lý, ông Nguyễn Phú Cường, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công thương) nhấn mạnh đến việc rượu hiện là một trong số rất ít mặt hàng được “thửa” riêng một nghị định của Chính phủ về quản lý. Không những vậy, theo ông Cường, tính ra có đến 6 vụ, cục chức năng của các bộ “quản lý” 1 chai rượu.
Chế tài đủ độ đến vậy nhưng theo thừa nhận của ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu và nước giải khát Việt Nam (VBA), thì việc quản lý được thị trường rượu là rất khó khăn, mà ngay như tư duy “không quản được thì cấm” cũng không đủ sức giải quyết vấn đề. Đại diện Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho hay, theo khảo sát của cục này thì thị trường rượu ở Việt Nam hiện bị thao túng bởi 80% rượu không có thương hiệu và chính những “anh” này làm khổ 20% còn lại thuộc loại làm ăn chân chính. Thế nên, “không có một lực lượng duy nhất, không có biện pháp duy nhất” trong việc quản lý thị trường rượu”- đại diện Cục An toàn thực phẩm nhìn nhận. Vấn đề là cần có những phân tích nguy cơ cùng việc dựa trên các chứng cứ khoa học, điều kiện kinh tế - xã hội để quản lý thị trường này, tránh duy ý chí.
Một số ý kiến cho rằng, một trong những nguyên tắc để đảm bảo an toàn là phải thực hiện theo pháp luật và các quy định của Luật An toàn thực phẩm. Để hóa giải được dần 80% số rượu vô danh tính, một số chuyên gia kiến nghị, VBA nên chuẩn hóa dần quy trình cũng như kỹ thuật chế biến rượu. Được biết năm 2014, Bộ Công thương sẽ điều chỉnh một số quy định về Thông tư 39 của Bộ Công thương về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu.
BẢO VỆ DOANH NGHIỆP LÀM ĂN CHÂN CHÍNH
Cho dẫu dư âm vụ rượu 29 khiến 6 người ở Quảng Ninh tử vong đã tạm lắng nhưng nó vẫn nóng tại hội thảo khi mà nhiều doanh nghiệp sản xuất rượu, thành viên của VBA kêu than, vụ việc đã trút thêm gánh nặng cho công việc làm ăn của họ. Thành thử chuyện “an toàn” không chỉ đến từ phía hàng triệu người tiêu dùng mà còn đến từ phía các doanh nghiệp rượu làm ăn chân chính, hiện đóng góp hàng ngàn tỉ đồng cho ngân sách.
Ở một góc độ khác, ông Vương Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội cho rằng, Bộ Tài chính cung cấp tem rượu cho các doanh nghiệp hiện nay quá chậm, không đáp ứng đủ cho sản xuất, ảnh hưởng đến việc cung cấp sản phẩm cho thị trường.
Nhấn mạnh về vai trò tự bảo vệ mình, một số ý kiến cho rằng, vì lợi ích thiết thân của mình, nhà sản xuất, kinh doanh nên chủ động và tự chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng an toàn thực phẩm khi đưa sản phẩm ra thị trường, tránh trường hợp con sâu bỏ rầu nồi canh như vụ rượu 29. Còn đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết, cục có 8 trung tâm trên toàn quốc để giám sát các sản phẩm rượu đang lưu thông trên thị trường. Sắp tới sẽ thí điểm thanh tra chuyên ngành ở các thành phố lớn, mạng lưới thanh tra sẽ dày hơn để tăng cường kiểm tra, giám sát. Cùng với việc tăng cường chấn chỉnh quản lý việc kinh doanh rượu, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết sẽ tăng cường lực lượng tại các tỉnh, thành, phấn đấu mỗi quận, huyện có một đội quản lý thị trường, mỗi xã, phường có một tổ quản lý thị trường.
Theo Congthuong