Năm qua, mặc dù số vụ vi phạm lâm luật giảm mạnh, song tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ lậu vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, lực lượng kiểm lâm đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, không để lâm tặc có cơ hội phá rừng.
Theo Sở NN-PTNT, năm 2013 toàn tỉnh xảy ra 855 vụ vi phạm Luật Quản lý, bảo vệ rừng. Các ngành chức năng đã xử lý 842 vụ (hành chính 838 vụ, hình sự 4 vụ), tịch thu 884m3 gỗ các loại, phạt tiền hơn 8,8 tỉ đồng. Riêng huyện Sông Hinh, các ngành chức năng phát hiện, xử lý 129 vụ vi phạm, giảm 41 vụ so năm 2012, tịch thu gần 200m³ gỗ các loại. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh, tình trạng phá rừng làm rẫy trái phép giảm so với năm trước, nhưng tình hình khai thác, vận chuyển gỗ trái phép vẫn diễn biến phức tạp tại những khu vực rừng giáp ranh với các tỉnh lân cận, trong đó đáng chú ý là nạn vận chuyển gỗ lậu từ tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai qua Phú Yên. Từ cuối tháng 10 đến trung tuần tháng 11/2013, tại xã Ea Lâm, cơ quan chức năng liên tiếp bắt giữ 3 vụ vận chuyển hơn 15m3 gỗ, phần lớn là gỗ nhóm 1 từ Gia Lai về Phú Yên.
Ông Lê Văn Bé, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, toàn tỉnh có hơn 181.000ha rừng, phân bố tập trung ở 100 xã nhưng kiểm lâm địa bàn chỉ có 58 người, trong khi đó, các đối tượng vi phạm hoạt động ngày càng tinh vi, manh động, thường xuyên đe dọa, chống đối người thi hành công vụ, thậm chí một số đối tượng còn sử dụng súng tự chế để uy hiếp, trả thù lực lượng kiểm lâm. Thực tế đã xảy ra một vụ lâm tặc chống người thi hành công vụ, làm 1 kiểm lâm viên bị thương với tỉ lệ thương tật 36%. Vụ việc đã được đưa ra xét xử kịp thời, 2 đối tượng vi phạm phải nhận mức án 10 năm 6 tháng tù giam. Vụ phá rừng gần đây nhất xảy ra vào tháng 6/2013 tại khu rừng giáp ranh giữa huyện Sông Hinh (Phú Yên) và huyện M’Đrắk (Đắk Lắk). Khi bị phát hiện, một nhóm lâm tặc đã giằng co, chống đối lực lượng chức năng nhưng không có người bị thương.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, phá rừng làm rẫy trái phép, lực lượng bảo vệ rừng cần được bổ sung, đồng thời cần có chính sách hỗ trợ đối với những người làm nhiệm vụ giữ rừng cơ sở, nhất là các tổ, đội bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, chống tổ chức phá rừng cấp xã. Lực lượng kiểm lâm các địa phương cần phối hợp với công an xử lý nghiêm các đối tượng đầu nậu, chủ đường dây buôn bán lâm sản trái phép, kẻ chủ mưu kích động, xúi giục người dân phá rừng, chống người thi hành công vụ, khiếu kiện, vu khống. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm tra, quản lý, xử lý các thuyền neo đậu trên sông không tuân thủ quy định, các ô tô hết niên hạn và mô tô độ, chế không được phép lưu hành nhưng vẫn sử dụng để vận chuyển gỗ lậu.
Ông Lê Văn Bé cho biết thêm: Nhằm ngăn chặn các đối tượng lợi dụng những ngày trước, trong và sau tết để phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, đơn vị đang tập trung chỉ đạo kiểm tra, rà soát các vùng trọng điểm thường xảy ra phá rừng, địa điểm tập kết, vận chuyển lâm sản trái phép; tăng cường truy quét, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về phá rừng, khai thác, vận chuyển gỗ trái phép; quản lý chặt chẽ nguồn gốc lâm sản nhập, xuất, xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất, chế biến gỗ vi phạm.
PHƯƠNG NAM