Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất mía, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, tăng thu nhập, nhưng lại khó nhân rộng.
Trình diễn máy bốc mía SCT 12 cho người dân tham quan - Ảnh: T.TIÊN
GIẢM CHI PHÍ
Hiện toàn tỉnh có khoảng 24.700ha chuyên canh mía, tập trung ở huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân và Phú Hòa. Tổng sản lượng mía thu hoạch mỗi năm lên đến 1,5 triệu tấn, là nguồn thu nhập chính của hàng ngàn hộ gia đình. Để phát triển ngành mía đường một cách bền vững thì việc thâm canh tăng cao năng suất, giảm chi phí đầu tư, đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất rất quan trọng. Nhiều năm qua, ngành Nông nghiệp Phú Yên đã phối hợp với các nhà máy đường, địa phương triển khai nhiều mô hình thâm canh mía, đưa vào sản xuất nhiều giống mía mới chất lượng và năng suất. Trong đó việc đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất mía đã góp phần giải phóng sức lao động, cắt giảm chi phí đầu tư, giải quyết tình trạng thiếu nhân công khi vào vụ.
Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh (Sở NN-PTNT), qua khảo sát thực tế trên địa bàn tỉnh, hiện nay quá trình sản xuất mía chỉ mới được cơ giới hóa khâu làm đất, các khâu còn lại như bón phân, rạch hàng, thu hoạch… đều được làm thủ công nên tốn nhiều sức lao động. Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã triển khai dự án Cơ giới hóa sản xuất mía trên địa bàn các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa và Đồng Xuân nhằm giới thiệu với người nông dân những lợi ích của việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất mía.
Ông Hồ Văn Nhân, cán bộ phụ trách dự án cơ giới hóa sản xuất mía thuộc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, cho biết: Từ nguồn kinh phí của dự án Khuyến nông Trung ương, trung tâm đã triển khai dự án Cơ giới hóa trong sản xuất mía với 2 loại máy nâng xếp mía (15 máy) và máy làm đất đa năng (24 máy) cho hơn 200 nông dân ở các huyện Đồng Xuân, Phú Hòa và Sơn Hòa; đồng thời tổ chức trình diễn kỹ thuật cho khoảng 600 nông dân ở các địa phương khác đến tham quan, học tập. Theo ông Nhân, qua thực nghiệm cho thấy, hiệu quả kinh tế mang lại của các loại máy này khá cao. Cụ thể, máy nâng xếp mía có công suất 7,5 tấn/giờ (gồm 7 người và 1 máy), giúp giảm hơn 50% chi phí nâng xếp mía; máy làm đất đa năng có công suất 500m2/giờ, giảm khoảng 37% chi phí so với lao động thủ công.
Bên cạnh đó, thời gian qua Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (KCP Vil) cũng đã phối hợp với Sở Công thương Phú Yên nghiên cứu và cho ra đời máy bốc mía SCT 12 nhằm giới thiệu đến người nông dân cách thu hoạch mía hiệu quả và tiện ích…
KHÓ NHÂN RỘNG
Mặc dù những hiệu quả tích cực của các loại máy cơ giới trong khâu làm đất và nâng bốc mía đã được khẳng định, nhưng để nhân rộng mô hình này tại các vùng trồng mía trong tỉnh không phải là điều dễ dàng.
Ông Đinh Văn Đạo ở thôn Phong Hậu, xã Hòa Hội (Phú Hòa) trồng 30ha mía, cho biết ông tham gia mô hình cơ giới hóa sản xuất mía do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tổ chức và đại diện cho 50 hộ dân trong nhóm nhận 1 máy nâng xếp mía để sử dụng, nhưng hiện nay nhóm của ông không thể sử dụng máy. “Nguyên nhân chính là các khâu chặt và bó mía vẫn được làm thủ công, quá trình thu hoạch vẫn chưa loại bỏ sạch tạp chất, các bó mía chỉ được buộc sơ sài… Vì vậy khi đưa vào vận hành máy nâng xếp mía thường xuyên gặp trục trặc, lúc thì rác quấn vào trục làm máy hỏng, khi thì dây buộc bung ra làm mía rơi lung tung… gây chậm trễ và hoạt động không hiệu quả”, ông Đạo nói.
Còn ông Y Nam ở xã Sơn Nguyên (Sơn Hòa) cho hay: Hiện các hộ trồng mía trong nhóm của ông không hộ nào sử dụng máy nâng xếp mía và máy làm đất. Nguyên nhân là vì khi vận hành máy, nếu gặp địa hình đồi dốc thì máy nhảy lung tung. Muốn điều khiển được máy này cần phải có thời gian luyện tập.
Không chỉ máy của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, máy bốc mía SCT12 do KCP Vil và Sở Công thương Phú Yên sản xuất cũng hoạt động không hiệu quả. Ông Huỳnh Khắc Vũ ở xã Hòa Hội (Phú Hòa) cho biết: “Trang trại mía của gia đình tôi được KCP Vil hỗ trợ 1 máy bốc mía, giúp giải quyết bài toán thiếu lao động, giảm chi phí khi thu hoạch mía và trình diễn để các hộ trồng mía khác học tập. Tuy nhiên, vì máy hoạt động kém hiệu quả nên gia đình đã trả lại cho công ty”. Theo ông Vũ, để vận hành được máy bốc mía SCT12 đòi hỏi khu vực tập kết mía phải rộng và bằng phẳng để máy có mặt bằng xoay trở đưa mía lên xe. Vì vậy những ruộng mía ở xa đường giao thông thì không thể vận hành máy. Ngoài ra vốn cho cơ giới hóa trong sản xuất mía tương đối lớn nên không phải hộ nào cũng có điều kiện đầu tư.
THỦY TIÊN