Thực hiện dự án “Mô hình thí điểm xử lý chất thải bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế trang trại của nông dân vùng nông thôn”, Hội Nông dân tỉnh chọn xã Hòa Tân Tây (Tây Hòa) làm thí điểm. Qua hơn 3 tháng triển khai, đến nay, 20 hộ dân thực hiện mô hình điểm đã đưa công trình biogas vào sử dụng mang lại hiệu quả thiết thực.
Nhờ sử dụng khí sinh học biogas làm chất đốt, nhiều hộ dân ở xã Hòa Tân Tây tiết kiệm được chi phí và bảo đảm môi trường - Ảnh: N.CHƯƠNG
Xã Hòa Tân Tây có 4 thôn với 2.256 hộ và 8.949 nhân khẩu, trong đó hộ nông nghiệp chiếm tỉ lệ 90%, thu nhập của người dân chủ yếu từ trồng lúa, chăn nuôi và một số ngành nghề khác. Hiện nay, nghề chăn nuôi trên địa bàn xã khá phát triển. Tuy nhiên đa số chuồng trại chăn nuôi ở đây đều nằm trong khu vực dân cư, khoảng cách giữa chuồng trại đến nhà ở các hộ lân cận không xa vàchất thải, nước thải chưa được thu gom, xử lý nên bốc mùi khó chịu vào mùa nắng nóng và trôi chảy tù đọng ở vùng trũng thấp vào mùa mưa, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng dân cư.
Tháng 9/2013, Hội Nông dân tỉnh đã chọn 20 hộ dân trong xã, hỗ trợ mỗi hộ 4 triệu đồng từ nguồn vốn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam để làm thí điểm dự án “Mô hình xử lý chất thải bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế trang trại của nông dân vùng nông thôn”. Ông Nguyễn Minh Tâm ở thôn Phú Khánh là một trong 20 hộ dân được hỗ trợ làm hầm biogas thí điểm, cho biết: “Trước đây gia đình tôi cũng như một số hộ chăn nuôi khác tại địa phương thường xả thẳng chất thải gia súc, gia cầm ra vườn, ao nên gây bức xúc cho một số hộ dân sống xung quanh. Biết vậy, nhưng tôi không biết xử lý bằng cách nào. Mới đây, gia đình tôi được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi mà bây giờ tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh không còn nữa”. Ông Tâm còn cho biết, trước đây mỗi tháng gia đình phải chi từ 500.000 đến 700.000 đồng để mua củi về nấu thức ăn cho 100 con gà và 2 con bò, nhưng hiện nay gia đình có thể sử dụng cùng một lúc 3 bếp gas từ khí sinh học mà không tốn đồng nào. Với tiết kiệm chi phí như hiện nay, chỉ trong vòng 1 năm sẽ thu hồi được vốn đầu tư ngay.
Phó chủ tịch UBND xã Hòa Tân Tây Nguyễn Văn Quang cho biết: “Toàn xã hiện có 595 hộ chăn nuôi quy mô gia đình, qua công tác triển khai vận động, đến nay đã có 70 hộ thực hiện hầm biogas, chiếm 12%; hộ gia đình có chuồng trại hợp vệ sinh chiếm 93,8%. Bên cạnh đó, còn có một số hộ chăn nuôi xử lý chất thải không hợp lý, các hộ xung quanh cùng chịu hậu quả ảnh hưởng nguồn nước, không khí bị ô nhiễm và nguy hiểm hơn là việc lây lan dịch bệnh rất nhanh. Vì vậy, trong thời gian tới, địa phương tiếp tục vận động bà con thực hiện dự án này và cùng chung tay bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM”.
“Mô hình xử lý chất thải bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế trang trại của nông dân vùng nông thôn” tại xã Hòa Tân Tây cho thấy hiệu quả rất rõ rệt, góp phần làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển chăn nuôi tại địa phương, phòng ngừa dịch bệnh, nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường nông thôn. Vì vậy, trong thời gian tới, tôi mong Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí để có điều kiện triển khai mô hình này tại một số xã còn lại”, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Hòa Trần Văn Danh nói.
NGUYỄN CHƯƠNG